Anh sẽ trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU vào ngày 23/6
Sau cuộc họp khẩn với nội các ngày 20/2, Thủ tướng Anh David Cameron (Đa-vít Ca-mơ-rôn) thông báo nước này sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh vào ngày 23/6 tới.
Câu hỏi trưng cầu ý kiến sẽ là liệu nước Anh “sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một châu Âu cải cách hay đứng ngoài một mình”.
Thủ tướng Cameron cũng cho biết Nội các Anh đã thể hiện “tinh thần tập thể” khi thông qua lập trường của chính phủ muốn giữ Anh ở lại trong một EU cải cách.
Đây sẽ là lần thứ hai, Anh tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU, sau cuộc trưng cầu đầu tiên vào năm 1975 dưới thời Công Đảng nắm quyền.
Sau khi Anh và EU đạt được thỏa thuận về việc giữ London ở lại liên minh này tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra trong hai ngày 18-19/2 ở Brussels (Bỉ), nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ vui mừng đối với kết quả này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (Đô-nan Tu-xcơ) bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng Anh cần EU và EU cũng cần Anh. EU sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích riêng vì lợi ích chung, để chứng tỏ sự đoàn kết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (Giăng Clốt Giăng-cơ) đánh giá thỏa thuận này công bằng cho cả Anh và các nước thành viên EU khác. Ông cho rằng thỏa thuận này không làm sâu thêm các rạn nứt trong liên minh mà là xây dựng các cầu nối.
Là đất nước có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi liên quan phúc lợi trong thỏa thuận Anh – EU vì có rất đông công dân Ba Lan đang làm việc tại Anh, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło (Bê-ta Xít-lô) vẫn cho rằng “thỏa thuận vừa đạt được là tin tức tốt lành cho châu Âu”.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi (Mát-tê-ô Ren-di) bày tỏ hài lòng vì hội nghị đã kết thúc với một thỏa thuận. Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Enda Kenny (En-đa Ken-ni) cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng Anh nên ở lại EU, nhưng cũng thận trọng rằng “đây mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình” và chặng đường vận động trước mắt ở Anh sẽ đầy thách thức.
Thỏa thuận mà Thủ tướng Cameron đạt được sau các cuộc thương lượng marathon với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ Khu Tài chính London, cũng như “miễn trừ” cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về “một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, đối mặt với sự phản đối từ Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác, Thủ tướng Cameron đã buộc phải nhượng bộ kế hoạch hạn chế chi trả phúc lợi cho người lao động EU nhập cư và con cái của họ. Cụ thể, ý định của Anh “đóng băng” phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong 4 năm đầu làm việc ở nước này sẽ chỉ thực hiện trong thời hạn 7 năm và sẽ chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh. Bên cạnh đó, ông Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()