Anh sẽ trở thành quốc gia G7 đầu tiên đặt mục tiêu đưa phát thải về mức 0
Xe ô-tô có lượng phát thải thấp được trưng bày tại London, năm 2017.
Trong bối cảnh lượng phát thải carbon toàn cầu ở mức cao kỷ lục dù các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thảo luận trong nhiều thập kỷ nhằm hạn chế lượng phát thải carbon trong giới hạn an toàn, Thủ tướng Anh Theresa May đánh giá mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính về 0 là đầy tham vọng nhưng rất cần thiết để bảo vệ tương lai của Trái đất. Mục tiêu hiện tại của Anh là đến năm 2050 sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải nhà kính so với mức phát thải trong năm 1990.
“Đạt con số 0 từ nay đến năm 2050 là mục tiêu tham vọng, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải đạt được nó để bảo đảm rằng chúng ta sẽ bảo vệ hành tinh này cho các thế hệ tương lai”, bà May nói thêm. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh khẳng định: “Giờ là lúc đi xa và nhanh hơn nữa để bảo vệ môi trường cho con cháu của chúng ta”. Theo bà May, luật sẽ được đưa ra trước khi Quốc hội Anh ngày 12-6 nhằm hợp nhất mục tiêu mới nêu trên vào một đạo luật về biến đổi khí hậu hiện hành.
Đánh giá về mục tiêu do bà May thông báo, ông David Reay, Giáo sư về quản lý carbon tại Đại học Edinburgh cho rằng: “Đạt mức 0 (về phát thải khí nhà kính) từ nay cho đến năm 2050 sẽ thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Nó sẽ làm thay đổi cách chúng ta di chuyển, nhà chúng ta ở và thực phẩm chúng ta ăn”.
Tháng trước, Ủy ban về biến đổi khí hậu của Anh cho rằng, nước này nên tiến tới mục tiêu mới với nhiều sự thay đổi trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và nông nghiệp. Thí dụ, các gia đình cần dần ngừng sử dụng khí đốt tự nhiên và chuyển sang các phương pháp carbon thấp.
Nhiều doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội lớn trong mọi quá trình chuyển đổi carbon thấp với hy vọng sự tiến bộ tại các hộ gia đình sẽ giúp những công ty đổi mới của Anh phát triển nhanh chóng ở các thị trường mới nổi đang khao khát tiếp cận nhiều mặt hàng và dịch vụ thân thiện với khí hậu.
Bà Carolyn Fairbairn, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Anh (CBI) hoan nghênh mục tiêu mới và nhấn mạnh cần có sự phối hợp để đưa ra những thay đổi cần thiết. “Một số lĩnh vực sẽ cần những lộ trình rõ ràng để cho phép đầu tư vào các công nghệ carbon thấp và điều quan trọng là phải có sự phối hợp trong chính phủ về các chính sách và quy định cần thiết để mang lại một tương lai trong sạch”, bà Fairbairn nói.
Anh kỳ vọng quyết định của mình sẽ khuyến khích các chính phủ khác thực hiện mục tiêu tham vọng hơn về khí hậu. Chính phủ Anh cũng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng tín chỉ carbon quốc tế để giúp nước này đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()