Ánh sáng và đức tin (Kỳ II)
Kỳ II: “Vén màn” đức tin và câu chuyện chống tà đạo toàn cầu
- Tôn giáo tồn tại là do niềm tin của con người. Mà niềm tin thì khó có thể phân định được đúng sai. Một khi con người còn mong cầu, bất hạnh, khổ đau… thì tôn giáo còn tồn tại. Chính vì vậy, các “tà đạo” mới có cơ hội nổi lên hòng xoa dịu tinh thần rồi “tẩy não” con người, điều khiển con người theo mưu đồ riêng. Cùng với đó, vấn đề liên quan đến tôn giáo không phải là vấn đề riêng của quốc gia nào, mà mang tính chất toàn cầu, xuyên biên giới. Tà đạo cũng là mối nguy hại chung của nhiều quốc gia, nhiều thể chế xã hội khác nhau. Hiểu được những căn nguyên cho tà đạo và niềm tin tôn giáo lệch lạc tồn tại, cùng những hành động của các nước trên thế giới về công tác này sẽ là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong ngăn chặn tà đạo, lợi dụng tôn giáo để chống phá đất nước.
Trước tiên phải nói rằng, tôn giáo nói chung thường tồn tại do tâm lý “sùng bái” của con người. Các tà đạo lợi dụng “nhu cầu” đó để xâm nhập, rao giảng về những “phép màu” và sự vĩ đại của người đứng đầu. Vì vậy, những người không có chính kiến, bị phụ thuộc, ít kinh nghiệm sống, hay ốm đau hoặc bị sốc tinh thần thường dễ bị lôi kéo.
Căn nguyên cho “đức tin” tồn tại
Sức khỏe dường như là “mẫu số chung” mà các tà đạo đưa ra để làm “mồi câu” cho các tín đồ để phát triển mạng lưới. Những người tìm đến các tà giáo, hoặc bị tà giáo nhắm đến thường bị bệnh nan y, hiểm nghèo, yếu thế trong cuộc sống. Phần đa các tà giáo thường cho rằng tôn giáo của họ và người đứng đầu có khả năng chữa khỏi mọi bệnh tật và thần thông quảng đại. Họ dùng lời hứa chữa bệnh và tăng cường thể chất để thu hút tín đồ. Đạo Hoàng Thiên Long chữa bệnh bằng “nước thánh” (mà thực chất là nước giếng); Pháp Luân công chữa bệnh bằng tập luyện để “tiêu nghiệp”… là ví dụ. Phần lớn các tín đồ cho rằng bệnh tật của họ đã thuyên giảm kể từ khi họ theo đạo, những “nút thắt” trong cuộc sống đã được giải quyết, những lo lắng và đau đớn đã được xoa dịu, ... Đó là bằng chứng trực tiếp để họ tin rằng các tà giáo này thực sự rất thần kỳ, rồi càng lún sâu hơn. Cùng với “ám thị tâm lý”, họ sẽ rất khó để giải thoát bản thân.
Thực chất, phân tích từ góc độ tâm lý học, những thứ được thần thánh hóa đó chính là một dạng điều trị tâm lý (chữa bệnh bằng đức tin). Y học đã chứng minh, điều trị tâm lý cũng đóng một vai trò nhất định trong việc giảm đau cho bệnh nhân, cải thiện hiệu quả điều trị bệnh. Hiện tượng “giả dược” trong y khoa cũng dựa vào nguyên lý này.
Mặt khác, lấy trường hợp tập luyện “Pháp luân công” làm ví dụ: Năm bộ công pháp xuất phát từ các động tác Thiền tông, Cửu công bát quái của Đạo giáo, đều có chức năng điều hòa cơ thể, tâm trí, hơi thở, ngăn ngừa và chữa bệnh. Nghĩa là họ đạt được lợi ích thực sự về sức khỏe khi kiên trì luyện tập, rồi dần phụ thuộc vào bộ môn này. Từ đó, những tín đồ đang mắc bệnh sẽ cảm thấy hưng phấn, hệ thống nội tiết sẽ tiết ra hormone có lợi cho sức khỏe, miễn dịch và giảm đau. Khi sức khỏe được cải thiện (dù chỉ là tức thời) thì tín đồ càng tin tưởng vào quyền năng của tà đạo. Bằng đức tin, họ chấp nhận và sùng bái, tự tạo cho mình một “ám thị tâm lý”. Dần dần, “đức tin” này mạnh mẽ đến mức trục xuất nhận thức bình thường ra khỏi tâm trí con người, biến một người từ bình thường thành con rối của tà đạo, tin theo những điều mà tà đạo rao giảng, cho dù có vô lý tới đâu so với nhận thức của người bình thường.
Mặt khác, tà đạo thường biết tranh thủ tính cố kết cộng đồng, các mối quan hệ nhóm để lôi kéo và giữ chân tín đồ như hình thức sinh hoạt tôn giáo theo gia đình hoặc làng xóm, theo nguyên lý tâm lý “đám đông”. Nếu các cá nhân có mối quan hệ gia đình, hàng xóm… từ trước, thì việc lôi kéo tham gia và duy trì sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chính vì vậy, một khi đã tin theo tà đạo, người ta rất khó từ bỏ.
Chống tà đạo – câu chuyện của toàn cầu
Những đặc điểm tâm lý phân tích ở bên trên là đặc điểm chung của tâm lý con người, bất kể quốc gia, dân tộc hay thể chế chính trị nào. Chính vì vậy, với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, nhiều tổ chức tà đạo ngày càng tinh vi, phát triển xuyên quốc gia, thâm nhập vào mọi lĩnh vực của xã hội, phạm vi hoạt động và gây hại trên toàn cầu. Các nước trên thế giới đã hành động ra sao để ngăn chặn sự tác động của tà đạo tới chính trị và xã hội? Làm rõ điều này, công tác quản lý tôn giáo nói chung và chống tà đạo nói riêng của Việt Nam sẽ có sự tham chiếu, từ đó tạo mối quan hệ liên kết toàn cầu, để thực hiện hiệu quả hơn, sâu sắc hơn công tác này.
Sử dụng hệ thống pháp luật và các tổ chức cộng đồng để quản lý tà đạo
Thực tiễn cho thấy, quản lý pháp lý là mắt xích quan trọng trong việc chống tà đạo. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã ban hành luật, sửa đổi luật, nỗ lực cân bằng giữa bảo vệ nhân quyền và chống lại các hoạt động phi pháp của các tà đạo, quản lý họ trong phạm vi pháp quyền.
Năm 1998, Quốc hội Bỉ đưa ra định nghĩa về các tổ chức tà đạo. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Âu xác định bản chất của các tổ chức tà đạo dưới hình thức luật pháp. Một số nước như Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Malaysia đã thông qua một số luật về tôn giáo và các tổ chức cộng đồng để ngăn chặn và kiểm soát các tổ chức tà đạo, phân loại đăng ký của các nhóm tôn giáo.
Còn ở Đức, để được Chính phủ Liên bang Đức công nhận, các nhóm tôn giáo phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về quy mô và sự đóng góp cho xã hội. Ngoài ra, các nước như Đức, Bỉ, Pháp cũng đã thông qua luật thành lập các cơ quan chịu trách nhiệm đặc biệt để điều tra thành phần và hoạt động của các tổ chức tà đạo. Nhật Bản cũng đã sửa đổi “Luật pháp nhân tôn giáo” để cấm tư cách pháp nhân tôn giáo của Aum Shinrikyo và giải tán tà giáo này. Nga cũng thông qua “Luật về các quyền tôn giáo và các hiệp hội tôn giáo” năm 1997: Bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào, chỉ được công nhận và tiến hành các hoạt động tôn giáo sau 15 năm kể từ khi thành lập. Năm 1990, Singapore thông qua Đạo luật Duy trì hòa hợp tôn giáo. Trong đó nghiêm cấm các hành vi chống đối xã hội, chống chính phủ hay bất kỳ tranh chấp nào dưới danh nghĩa tôn giáo.
Hoa Kỳ là quốc gia hết sức chú trọng đến việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo, không bắt buộc các nhóm tôn giáo phải đăng ký, không quy định các điều kiện và yêu cầu đặc biệt đối với việc đăng ký. Chính vì vậy mà trụ sở của nhiều tổ chức tà đạo được đặt tại đây. Tuy rằng, nếu các tổ chức tôn giáo vi phạm pháp luật, chính phủ Hoa Kỳ sẽ trấn áp nghiêm khắc theo luật pháp và quy định liên quan, đồng thời sẽ không bao giờ dung thứ cho những giáo phái có “tín ngưỡng nguy hiểm”, nhưng vì quá chú trọng đến tự do tôn giáo nên quốc gia này đã bao dung tôn giáo quá mức, không phân biệt giữa tà giáo và tôn giáo, mà chỉ nhìn nhận và trừng phạt hành vi tội ác của các tổ chức tà đạo.
Quản lý tôn giáo thông qua các đạo luật đặc biệt
Mặc dù Pháp đã ban hành “Luật Tách Nhà thờ và Nhà nước” (1905), nhưng không thể giải quyết triệt để những sự việc nghiêm trọng do các hoạt động bất hợp pháp của các tà đạo gây ra cho đất nước và người dân. Vì vậy, năm 2001, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật chống tà đạo toàn diện đầu tiên trên thế giới: Luật “Tăng cường ngăn ngừa và trừng phạt các tổ chức tà đạo vi phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”[1]. Luật thể hiện thái độ, lập trường của quan chức Pháp đối với công tác quản lý, chống tà đạo dưới hình thức pháp lý; mặt khác là cơ sở pháp lý để giải tán tà đạo, giáng một đòn nặng nề vào hoạt động phi pháp của các tổ chức tà đạo ở Pháp, có tính toàn diện và chuyên biệt. Những thành tựu to lớn của Pháp trong việc kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp của tà đạo là một sự kiện rất đáng khích lệ đối với cộng đồng quốc tế.
Tháng 11/2000, Hiệp hội chống tà đạo Trung Quốc[2] được thành lập trên cơ sở là một tổ chức tự nguyện của những người đến từ: giới khoa học, giới xã hội học, giới tôn giáo, giới luật pháp, báo chí, được Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp kiểm soát. Ngày nay, hội này đã phát triển trên tất cả các nền tảng, tạo thành một mạng lưới trên internet để chống tà đạo tại Trung Quốc, là một mặt trận tuyên truyền quan trọng, công bố thông tin có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến tà đạo, vạch trần bản chất và tác hại của tà đạo, định hướng dư luận và giúp đỡ Nhân dân khi vướng mắc về các vấn đề liên quan.
Tóm lại có thể thấy rằng, hoạt động của các tổ chức tà đạo đã trở thành mối nguy hiểm không thể coi thường và ảnh hưởng đến an ninh xã hội ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Mặc dù quản lý pháp lý đối với các tà đạo ở mỗi quốc gia là vấn đề nội bộ, nhưng xét đến việc các tà đạo đang phát triển với tốc độ chóng mặt như ngày nay thì sức tàn phá đối với nhân loại đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Khi các tổ chức tà đạo ngày càng được quốc tế hóa, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, cải thiện luật pháp quốc tế về quản lý tôn giáo và thành lập các tổ chức chống tà đạo quốc tế để ngăn ngừa các hoạt động bất hợp pháp của tà đạo, gây ra thảm họa to lớn cho nhân loạin
(Còn nữa)
---------------
[1] Gọi tắt là "Luật chống tà đạo", hay Luật About–Picard, tên tiếng Anh: Law No. 2001-504 of June 12, 2001, aimed at strengthening the prevention and repression of sectarian movements that undermine human rights and fundamental freedoms; tên tiếng Pháp: loi n° 2001-504 du 12 juin 2001 tendant à renforcer la prévention et la répression des mouvements sectaires portant atteinte aux droits de l'homme et aux libertés fondamentales
[2] Tên tiếng Anh: China Anti-Cult Association, tên tiếng Trung: 中国反邪教协会.
Ý kiến ()