Anh Quang làm giàu từ nuôi thỏ
– “Nuôi thỏ hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc trồng đào trước kia, nhờ đó đời sống của gia đình tôi đã ngày một khấm khá hơn” – đó là lời tâm sự của anh Lã Ngọc Quang (sinh năm 1982), thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn khi nói về mô hình nuôi thỏ của mình. Với sự cần cù, chịu khó cộng với bản tính ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, đến nay, anh đã thành công với mô hình nuôi thỏ, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Theo giới thiệu của Hội Nông dân xã Hoàng Đồng, tìm đến khu trang trại thỏ của anh Quang, chúng tôi thích thú bởi những con thỏ trắng muốt, mập mạp… Vừa kiểm tra chuồng trại, anh Quang vừa bắt đầu câu chuyện làm giàu cho chúng tôi nghe.
Anh Quang cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trông chờ vào việc trồng đào, chăm sóc, cắt tỉa quanh năm đến tết mới cho lợi nhuận. Năm 2019, qua giới thiệu của bạn bè, tôi đã mạnh dạn nuôi 50 cặp thỏ giống Newzealand. Trong quá trình nuôi, nhận thấy việc nuôi thỏ khá đơn giản, có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, ít dịch bệnh nên tôi quyết tâm mở rộng mô hình.
Anh Quang chăm sóc đàn thỏ
Cuối năm 2019, anh Quang tới các trang trại nuôi thỏ ở huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), thành phố Hà Nội… để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật và mua giống. Cùng với đó, thông qua hội nông dân xã, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để xây dựng chuồng trại với diện tích trên 200 m2 và mua 100 con thỏ nái. Chuồng trại của anh được lắp đặt hệ thống làm mát, quạt thông gió, đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, đàn thỏ phát triển nhanh.
Chia sẻ về cách chăn nuôi thỏ, anh Quang cho biết: Để thỏ sinh trưởng, phát triển tốt, khi nuôi cần tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng cho thỏ (tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi tiêm 1 lần cho tới khi xuất bán); dành thời gian quan sát, kiểm tra đàn thỏ hàng ngày, nếu thấy thỏ có biểu hiện bị bệnh, kém ăn, mệt mỏi, phải tách đàn để chăm sóc riêng… Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần chú ý xây dựng chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Thỏ là loại ưa sạch nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân khiến thỏ dễ mắc bệnh.
Hiện nay, trang trại của anh Quang có 300 thỏ nái, mỗi năm cho xuất chuồng từ 2.000 đến 3.000 con thỏ thương phẩm phục vụ cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh, với giá bán 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình cho thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, anh Quang tiếp tục mở rộng quy mô trang trại lên 500 m2 với 500 thỏ nái.
Không chỉ nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, anh Quang còn tích cực tham gia các hoạt động của hội nông dân, đoàn thanh niên xã, gia đình anh luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới của địa phương. Bên cạnh đó, đầu năm 2021, mô hình nuôi thỏ của anh đã được hội nông dân xã chọn làm điểm đưa các hội viên đến tham quan, học tập kinh nghiệm, qua đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
Ông Chu Văn Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đánh giá: Anh Quang là một trong những hội viên hội nông dân trẻ của xã tích cực, dám nghĩ dám làm vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi thỏ. Anh thực sự là tấm gương để các hội viên, đặc biệt là những người trẻ học tập. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân học tập cách làm của anh để đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước làm giàu.
Với những nỗ lực của bản thân, năm 2020, anh Quang đã được Hội Nông dân thành phố tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc sản xuất kinh doanh giỏi.
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()