Anh nông dân và giống lúa AC5
Anh Phan Văn Hòa và sản phẩm "Gạo xứ Nghệ". Gặp anh ít ai nghĩ rằng anh là một "ông giám đốc" bởi tất cả từ anh toát ra chân dung của một nông dân chính hiệu: nét mặt khắc khổ, đôi bàn tay chai sần, chân đi dép cao-su và nhất là cách nói chuyện chất phác, hồn hậu. Ấy vậy mà, anh là tác giả của các giống lúa AC5, AH1 và anh được coi là "Người làm nên thương hiệu gạo xứ Nghệ".'Có sức người sỏi đá cũng thành cơm'Sinh năm 1957 tại Vĩnh Thành, Yên Thành (Nghệ An), năm 17 tuổi, Phan Văn Hòa lên đường nhập ngũ. Năm 1984, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương gây dựng gia đình và tham gia sản xuất với quân hàm thượng úy, bệnh binh 2/3. Mảnh đất quê anh được coi là 'vựa' lúa của xứ Nghệ, nhưng anh không hiểu vì sao người dân quê sớm hôm tần tảo, lam lũ với ruộng đồng vẫn không thể khá giả. Những đêm dài trăn trở... Cuối cùng anh cũng vỡ ra một điều: 'Một khi nông dân không tự chủ được giống, không...
|
'Có sức người sỏi đá cũng thành cơm'
Sinh năm 1957 tại Vĩnh Thành, Yên Thành (Nghệ An), năm 17 tuổi, Phan Văn Hòa lên đường nhập ngũ. Năm 1984, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương gây dựng gia đình và tham gia sản xuất với quân hàm thượng úy, bệnh binh 2/3. Mảnh đất quê anh được coi là 'vựa' lúa của xứ Nghệ, nhưng anh không hiểu vì sao người dân quê sớm hôm tần tảo, lam lũ với ruộng đồng vẫn không thể khá giả. Những đêm dài trăn trở… Cuối cùng anh cũng vỡ ra một điều: 'Một khi nông dân không tự chủ được giống, không kiểm soát được quy trình sản xuất khép kín thì năng suất, chất lượng hạt gạo không cao. Giống không hợp với đồng đất của mình thì dễ sâu, bệnh, năng suất kém. Vậy nên, tìm được loại giống phù hợp là điều quan trọng…'. Và anh nung nấu ý tưởng khảo nghiệm giống, tìm ra loại phù hợp nhất với đồng đất xứ Nghệ.
Năm 1993, anh mạnh dạn nhận khoán năm ha đất trũng của xã để thực hiện ý tưởng của mình. Ngày đó, vùng Hói Sác chỉ toàn năn lác, lau sậy, rắn rết, việc anh nhận khoán vùng đất đó khiến nhiều người cho rằng anh 'hâm', nhiều người can ngăn anh, cho rằng đó là ý nghĩ viển vông. Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, anh và gia đình bắt tay vào cải tạo đầm năn lác. Từ sáng sớm chưa tỏ mặt người đến tối mịt, hết đắp, đào, nhổ cỏ, phát năn lác, anh và vợ con quần quật cả ngày, vật lộn vỡ từng thửa đất. Mất hơn hai năm cải tạo đất, bàn tay chai sần, phồng rộp, bao công sức, vốn liếng của cả gia đình anh đổ vào đấy, mà theo mọi người, anh đang 'đánh bạc với trời'. Cánh đồng năm ha ở bàu Hói Sác của anh thẳng cánh cò bay, vụ đầu tiên, anh thuê 30 con trâu, 30 thợ cày và hàng chục người cấy nhưng vẫn không kịp thời vụ. Năm đó, năm ha lúa coi như mất trắng. 'Làm ăn lớn tính chuyện đi xa', anh nảy ra ý định đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hồi đó, máy cày chưa có mặt ở Việt Nam, muốn mua được phải đặt hàng ở Trung Quốc. Anh dồn vốn, vay thêm bạn bè anh em được chín triệu đồng và 'đánh đường' sang Trung Quốc mua 'trâu sắt'. Cả cánh đồng Hói Sác ngày ngày vang rền tiếng máy, lau sậy rạp mình chịu thua. Hồi đó, không riêng gì ở Yên Thành mà dân các huyện cũng đổ về để xem. 'Từ vụ ấy, mình không còn muộn thời vụ nữa, lúa được mùa càng thêm phấn chấn. Mấy ông chủ nợ cũng không còn lo bị quỵt nợ' – anh Hòa cho biết.
Người làm nên thương hiệu 'Gạo xứ Nghệ'
Đồng Hói Sác đã thành mùa vàng, năng suất lúa liên tục tăng, nhưng anh Hòa chưa hài lòng. Anh trăn trở về giống lúa, làm lúa lai vừa đắt, vừa không chủ động. Anh tâm tư, 'đất nước của ba miền cày ruộng', tại sao không chủ động được giống lúa thuần, vừa rẻ, vừa chất lượng. Để có tư cách pháp nhân giao dịch với các nhà quản lý và các nhà khoa học, năm 2011, Công ty TNHH Vĩnh Hòa ra đời, là tiền đề đầu tiên giúp anh tiếp bước hoàn thành dự án 'Sản xuất gạo khép kín, chất lượng cao, an toàn'. Anh lặn lội ra Hà Nội, ôm dự án, gõ cửa các viện nghiên cứu. Cảm cái sự tận tâm, nhiệt thành của anh, các giáo sư, viện sĩ đã nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ. Dự án về bộ giống lúa chất lượng cao, an toàn tưởng như viển vông đã có cơ hội trở thành sự thật.
Nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, anh Hòa bắt đầu quá trình tuyển chọn, thử nghiệm các bộ giống khác nhau. Thiếu kiến thức về trồng khảo nghiệm, thời gian đầu, anh ngâm, ủ rồi cấy hoàn toàn bằng cảm tính. Có thời điểm, anh gieo luôn một loại giống trên diện tích cả sào. Sau này, rút kinh nghiệm, một loại giống chỉ trồng khảo nghiệm trên một khoảnh đất nhỏ. Một vụ vài chục giống khác nhau, trong ba năm, trên đồng đất năm ha, anh đã thử nghiệm đến 212 bộ giống khác nhau. Không phụ công anh nhọc nhằn, vất vả, bộ giống AC5 đã bén duyên trên đồng đất Vĩnh Thành. Công ty TNHH Vĩnh Hòa được Viện Nghiên cứu cây lương thực và thực phẩm chọn làm đối tác duy nhất ở miền bắc để chuyển giao công nghệ sản xuất nhân rộng giống lúa thuần chất lượng cao AC5.
Những tưởng mọi việc đã đi vào guồng quay thuận lợi. Nhưng, đó mới chỉ là sự khởi đầu cho hàng loạt những khó khăn, thách thức. Thời điểm năm 2004 – 2005, người nông dân vốn đã quen với các giống lúa lai được nhập về từ Trung Quốc, năng suất cao hơn lúa thuần nên để bà con bỏ lúa lai, đưa lúa thuần AC5 vào sản xuất là điều không hề đơn giản. Và để 'làm thông tư tưởng' của bà con, anh lặn lội về các vùng quê lúa như: Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, đến từng xóm, từng hộ dân để giải thích về mô hình giống mới, về những ưu việt của giống lúa AC5. Anh cam kết với những hộ nông dân ứng dụng giống lúa AC5: cung cấp giống với giá ổn định và bao tiêu luôn sản phẩm. Được mùa không sợ mất giá, thấy lợi cho dân, lãnh đạo các huyện Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP Vinh và Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã tìm đến với Công ty TNHH Vĩnh Hòa.
Trên năm ha vùng đất cải tạo năm xưa, anh dành để sản xuất AC5 theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau khu hoạch đã kết hợp các dự án nghiên cứu của Nhà nước đầu tư cho anh dây chuyền sản xuất phân vi sinh và thiết bị trồng mạ khay, gieo mạ thảm. Công nghệ mới này đã giúp anh giảm đến mức thấp nhất thất thoát, tăng hiệu quả hạt giống.
Và để thực hiện đề án 'Sản xuất gạo khép kín, chất lượng, an toàn', anh huy động các nguồn vốn vay, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy cày bừa liên hợp, máy gặt đập, máy xay xát và đánh bóng hạt gạo. Với hệ thống máy móc này, chất lượng gạo AC5 được giữ nguyên thành phẩm, được xử lý độc tố, chống ẩm mốc, bảo đảm hạt gạo sạch và an toàn.
Đầu năm 2007, gạo AC5 được các cơ quan chuyên môn kiểm định và kết luận đạt tiêu chuẩn Việt Nam, ngành y tế cấp giấy chứng nhận 'Gạo chất lượng, an toàn'. Từ kết quả này, giữa năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An cho phép anh triển khai dự án sản xuất giống với quy mô 3.000 ha trên đồng đất Nghệ An. Với năng suất hơn 70 tạ/ha, giá cả thu mua luôn cao hơn giống lúa lai, chất lượng gạo dẻo, thơm, ngon nên người nông dân xứ Nghệ đã bén duyên với loại lúa AC5 chất lượng cao này.
Năm 2008, 'Gạo xứ Nghệ' được đón nhận Cúp Vàng sản phẩm dịch vụ xuất sắc, Công ty TNHH Vĩnh Hòa được trao tặng Cúp Vàng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2009, 'Gạo xứ Nghệ' tiếp tục được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tặng Cúp Vàng nông nghiệp, Công ty TNHH Vĩnh Hòa được Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tặng danh hiệu 'Doanh nhân Việt Nam Vàng' tại hội chợ công nghệ Techmart. Anh được Bộ NN và PTNT vinh danh 'Nông dân sản xuất lúa sáng tạo' toàn quốc năm 2010. T.Ư Hội CCB Việt Nam đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho anh Phan Văn Hòa.
Hiện Công ty TNHH Vĩnh Hòa cung cấp giống lúa AC5 cho hơn 80.000 ha ruộng lúa khắp các địa phương trong tỉnh Nghệ An. Giống lúa AC5 chất lượng cao đã được nhiều huyện của tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa đón nhận. Riêng sản phẩm gạo AC5 chất lượng cao thì đã có mặt trên toàn quốc.
Nói về những đóng góp của mình, anh khiêm tốn: 'Mình là nông dân, anh em, bà con mình là nông dân. Mà ước mơ lớn nhất của người nông dân là có giống tốt, năng suất cao, chất lượng gạo bảo đảm… để cải thiện đời sống. Góp phần thực hiện ước mơ đó của người nông dân, đó là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi'. Và hiện tại, anh đang nghiên cứu phương pháp chọn tạo giống lúa mới, giống lúa thơm chất lượng cao VH1. Tin rằng, với sự tâm huyết, niềm khát khao được cùng chung tay với nông dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Giám đốc nông dân Phan Văn Hòa sẽ tiếp tục làm nên 'kỳ tích' trên đồng ruộng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()