Anh Nghĩa làm kinh tế giỏi
Anh Hoàng Trọng Nghĩa kiểm tra mẻ bột nghệ vừa tinh luyện xong |
Anh Nghĩa tâm sự: Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, tôi đã quen với công việc chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, tôi không theo nghề giáo mà chọn hướng phát triển kinh tế hộ gia đình. Với số vốn ban đầu gia đình hỗ trợ và một phần vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cùng việc tận dụng khu đất cha ông để lại, tôi cải tạo, xây dựng cơ sở sản xuất rượu men lá thủ công có diện tích 110 m2. Số lượng rượu ban đầu sản xuất ra chỉ phục vụ nhu cầu cho các đám cưới, tiệc, người dân trong xã.
Năm 2015, việc sản xuất, tiêu thụ thuận lợi đã tạo động lực để anh Nghĩa mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài việc phục vụ người dân trong xã, nay thêm các địa bàn ngoài xã, các huyện, cả các tỉnh lân cận… Cùng với đó, anh còn kết hợp nuôi 4 con lợn nái, 40 con lợn thịt. Bình quân hằng năm, sản lượng rượu xuất bán ra thị trường khoảng 20.000 lít, thu về gần 500 triệu đồng; trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Về chăn nuôi, mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 80 con lợn thịt, thu về 50 triệu đồng; gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng.
Là người năng động, chịu khó tìm tòi học hỏi, giữa năm 2016, anh nhận thấy thị trường đang có nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ nên đã quyết định đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, thuê thêm nhân công lao động, tự học hỏi, tìm hiểu về cách sản xuất tinh bột nghệ để cung cấp cho người tiêu dùng. Sau khi trải qua nhiều lần thất bại trong quá trình sản xuất, anh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm và có được sản phẩm ưng ý như hiện nay. Hiện tại, mỗi ngày xưởng của anh sản xuất được khoảng 50 kg tinh bột nghệ, phân phối ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận mà không đủ đáp ứng. Với giá bán hiện nay là gần 500.000 đồng/kg thì mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, anh thu về hàng trăm triệu đồng. Xưởng sản xuất tinh bột nghệ của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 27 người, trong đó có 7 đoàn viên thanh niên trong xã, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Thân Như Thương, Bí thư Đoàn xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng cho biết: Bên cạnh việc tích cực phát triển kinh tế, anh Nghĩa còn tham gia nhiệt tình các hoạt động đoàn, hội tại xã. Với những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Với tinh thần, ý chí quyết tâm lập thân, lập nghiệp, năm 2015, anh Hoàng Trọng Nghĩa được nhận giấy khen của Huyện đoàn Chi Lăng là “Đoàn viên tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi xã Quan Sơn giai đoạn 2011- 2015”, và năm 2016, anh được Tỉnh đoàn Lạng Sơn tặng bằng khen “Đoàn viên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi”.
Ý kiến ()