Anh không kịp đạt thỏa thuận tiếp nối thương mại với nhiều đối tác
Chính phủ Anh thừa nhận những thỏa thuận nhằm duy trì trao đổi thương mại với một số quốc gia như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ hay Algeria có thể sẽ không đạt được trước thời hạn 29/3.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels, Bỉ ngày 7/2/2019.
Ngày 21/2, Chính phủ Anh thông báo không thể đạt được thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với một số đối tác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… trước ngày 29/3, khi Brexit chính thức diễn ra.
Anh đã nỗ lực ký kết các thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với 40 đối tác bằng cách tái tạo thỏa thuận thương mại của Liên minh châu Âu (EU) với những đối tác này trước thời hạn Brexit ngày 29/3.
Tuy nhiên, cho tới nay Anh mới ký các thỏa thuận tiếp nối với Thụy Sĩ, Chile, đảo quốc Faroe, khu vực Đông và Nam châu Phi, Israel và Palestine.
Trong thông báo mới, Chính phủ Anh thừa nhận những thỏa thuận nhằm duy trì trao đổi thương mại với một số quốc gia khác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ hay Algeria có thể sẽ không đạt được trước thời hạn 29/3. Điều này đồng nghĩa nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận, hoạt động trao đổi thương mại với những quốc gia này có thể bị gián đoạn. Vì vậy, trách nhiệm của chính phủ là công bố danh sách những quốc gia có khả năng cao sẽ không đạt được thỏa thuận tiếp nối trước hạn chót để đảm bảo thông tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân có phương án chuẩn bị phù hợp.
Thông báo cũng nêu rõ chính phủ đang xây dựng những phương án để đảm bảo dòng chảy thương mại trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Theo các số liệu của Chính phủ Anh, trao đổi thương mại Anh-Nhật Bản đạt mức giá trị 28 tỷ bảng/năm, tăng 40% trong vòng năm năm qua, chủ yếu nhờ tăng trưởng thương mại trong các lĩnh vực như phương tiện giao thông, dược phẩm, máy móc và dịch vụ tài chính.
Trong bối cảnh thỏa thuận tự do thương mại EU-Nhật Bản chỉ vừa mới có hiệu lực hồi đầu tháng Hai này, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox khẳng định hai bên vốn vẫn hoàn tất mọi trao đổi thương mại mà không cần một thỏa thuận, qua đó xoa dịu những lo ngại rằng thương mại song phương có thể bị tác động mạnh nếu không có thỏa thuận tiếp nối.
Đại sứ Nhật Bản tại Anh Koji Tsuruoka cho biết Tokyo mong muốn Anh xác định quan hệ thương mại rõ ràng với EU, đồng thời khẳng định hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Anh đang chững lại vì tương lai Brexit chưa rõ ràng. Trong khi đó, việc không có được một thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận hiện có với EU có thể ảnh hưởng tới 1,39% tổng lượng trao đổi thương mại của Anh.
Hiện Hạ viện Anh vẫn chưa thể thống nhất được một thỏa thuận Brexit dù chỉ còn 36 ngày trước hạn chót 29/3 khi Anh chính thức rời EU theo luật định. Điều này càng làm dấy lên quan ngại về một kịch bản Brexit không thỏa thuận gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới khi mọi hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ đều sẽ bị đình trệ vì việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan.
Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang tích cực làm việc với EU để có được những “đảm bảo cần thiết” giúp thỏa thuận Brexit đạt được hồi tháng 11/2018 nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lần 2.
Phát biểu sau buổi làm việc với các đối tác EU tại Brussels ngày 21/2, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Stephen Barclay cho biết trọng tâm đàm phán giữa hai bên là những đảm bảo để điều khoản “rào chắn” về vấn đề đường biên giới Ireland sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn.
Trong cuộc gặp ngày 20/2, Thủ tướng May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã nhất trí việc đàm phán sẽ tập trung vào những đảm bảo liên quan đến điều khoản kể trên, trong đó nhấn mạnh bản chất mang tính tạm thời của điều khoản và đưa ra đảm bảo pháp lý phù hợp cho cả hai bên, cũng như những dàn xếp thay thế khác./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()