Ảnh hưởng của Lênin đối với cách mạng Việt Nam
LSO-Hôm nay 22-4-2013, cùng với nhân loại tiến bộ, nhân dân ta kỷ niệm lần thứ 143 năm Ngày sinh V.I. Lênin trong không khí hân hoan toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang sôi nổi góp ý, xây dựng Hiến pháp mới-Hiến pháp 1992.
LSO-Hôm nay 22-4-2013, cùng với nhân loại tiến bộ, nhân dân ta kỷ niệm lần thứ 143 năm Ngày sinh V.I. Lênin trong không khí hân hoan toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang sôi nổi góp ý, xây dựng Hiến pháp mới-Hiến pháp 1992.
Bằng tấm lòng thành kính sâu xa, hơn 80 năm trước đây, Bác Hồ đã viết lên những dòng bất hủ: “Khi còn sống, Lênin là người thầy, người cha của nhân dân bị áp bức. Sau khi mất, Người là ngôi sao chỉ đường tiến tới sự nghiệp vĩ đại, sự nghiệp giải phóng nhân dân bị áp bức”. Thật vậy, nhờ ánh sáng tư tưởng Lênin chỉ lối soi đường, cách mạng nước ta mới thoát khỏi cuộc khủng khoảng sâu sắc về đường lối kéo dài trong hai phần ba thế kỷ, khiến cho nhân dân ta phải chịu hao tổn biết bao tâm lực và xương máu.
Như ánh sáng mặt trời xua tan bóng tối, trong “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Lênin đã chỉ cho nhân dân ta thấy rõ: Trong thời đại ngày nay, muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản và đưa loài người tiến lên chủ nghĩa xã hội, chỉ có thể giành được thắng lợi, bằng sự kết hợp thành một trào lưu chung cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản tất cả các nước, với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc. Và sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa chỉ có thể đi đến thắng lợi triệt để khi nó trở thành bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới. Khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” vang lên như hồi kèn xung trận, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta nắm chắc vũ khí tư tưởng xông lên cùng với nhân dân “chính quốc” chặt đứt “hai cái vòi của con đỉa” thực dân.
Nhờ vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống đấu tranh oanh liệt của dân tộc, Đảng ta đã đề ra cương lĩnh đúng đắn qua các thời kỳ, đưa phong trào cách mạng nước ta vững vàng vượt qua phong ba bão táp để cập bến vinh quang. Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta đã bước lên vũ đài thế giới như một chiến sĩ tiên phong hoàn toàn thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu quá trình sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Đó là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa, nửa phong kiến.
Đối với chúng ta hiện nay, một điều có ý nghĩa sống còn là lý tưởng mới mẻ về sự đột phá của Lênin trong việc quyết định từ bỏ cơ chế “cộng sản thời chiến” chuyển sang thực hiện “chính sách kinh tế mới” nhằm tiến hành “một sự cải tổ”, “một sự đổi mới” quan trọng… Quả vậy, việc Lênin cho phép phát triển một bộ phận kinh tế tư bản chủ nghĩa, thu hút vốn nước ngoài, thực hành chế độ cho thuê; việc Lênin chủ trương phải nhanh chóng đuổi kịp làn sóng cách mạng khoa học kỹ thuật mới của thế giới và cần phải học tập phương pháp quản lý có hiệu quả của giai cấp tư sản; việc Lênin nêu lên những biện pháp đấu tranh để khắc phục chủ nghĩa quan liêu, đề ra những nhiệm vụ cần kíp nhằm giải quyết mối quan hệ đúng đắn giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước; việc Lênin chủ trương điều chỉnh chính sách đối ngoại, nhấn mạnh sự sống hòa bình với các nước phương Tây, phát triển sự mở rộng việc giao lưu kinh tế, ra sức lợi dụng vốn và kinh nghiệm quản lý của chủ nghĩa tư bản… là những biểu hiện rực rỡ của sự chuyển đổi tư duy lý luận và kinh tế, soi sáng bước đường tiến lên của nước ta trong công cuộc đổi mới.
Dưới ánh sáng của hơn 20 năm đổi mới ở nước ta cho thấy rõ, chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới đang đươc hình thành, thể hiện sự gia công tìm tòi và thể nghiệm của Đảng ta về mô hình mới của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Bằng việc tiến hành sự nghiệp đổi mới, nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa Mác-Lênin, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rõ hơn, phản ánh sự trưởng thành của Đảng trong việc nhận thức lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bungari, viện sĩ Lilốp nhận xét: “Trước đây, đối với thế giới thì sự phát triển của Liên Xô là quan trọng nhất. Nhưng nay, đối với chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21, thì điều quan trọng nhất là chương trình cải cách và đổi mới mang tính chất chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc. Lịch sử mong muốn như vậy. Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thức được sự cần thiết phải tiến hành cuộc đổi mới chủ nghĩa xã hội. Tôi tin tưởng rằng tương lai thuộc về chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết được những vấn đề đương đại của nhân loại”. Tuy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn đang còn phải tiếp tục vượt qua những đoạn đường quanh co khúc khuỷu và những bước gập ghềnh, nhưng nhất định xu thế phát triển tất yếu của lịch sử là không thể đảo ngược.
Dưới ánh sáng các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta càng được nhận thức và chiêm nghiệm sâu sắc hơn chân lý của thời đại mới: Đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn sáng suốt và đúng đắn của Bác Hồ, đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta. Nhân kỷ niệm 143 năm ngày sinh Lênin, với lòng tự hào chính đáng và niềm kiêu hãnh lớn lao, chúng ta quả quyết rằng ngọn cờ tư tưởng bất diệt của Lênin sẽ được Đảng, nhân dân và đất nước ta mãi mãi giương cao.
MAI TÙNG
Ý kiến ()