Ảnh hưởng của corona: Chứng khoán ‘đỏ sàn’, VN-Index dọa phá mốc 900
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VCB, VHM, VIC, VNM, BID, GAS… bị bán tháo với các mức giá giảm sâu, trong khi lực đỡ lại rất mỏng. Sắc đỏ đã bao phủ bảng điện tử, VN-Index có thời điểm đã phá mốc 900 điểm.
Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch đầu tuần (ngày 3/2) với áp lực tháo chạy diễn ra trên diện rộng. Ngay đầu giờ, sắc đỏ đã bao phủ bảng điện tử, VN-Index thậm chí có thời điểm đã phá mốc 900 điểm .
Mối lo ngại trước sự lây lan của dịch bệnh liên quan đến chủng mới của virus corona (2019-nCoV) từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam và châu Á đồng loạt giảm điểm.
Trong phiên, nhóm cố phiếu vốn hóa lớn VCB, VHM, VIC, VNM, BID, GAS… bị bán tháo với các mức giá giảm sâu, trong khi lực đỡ lại rất mỏng. Bên cạnh đó, các nhóm ngành bán buôn, bán lẻ, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, sản xuất… cũng đồng loạt giảm giá.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe (như DHG, PME, IMP, TRA, DHT…) và thực phẩm đồ uống (TAR…) bắt đầu được thị trường tích lũy mua gom, tại đợt giao dịch buổi sáng các nhóm này tăng tương ứng 5,01% và 0,62%.
Thị trường tạm dừng tại phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index giảm 29,61 điểm (-3,16%) xuống 907,09 điểm, HNX-Index giảm 2,43 điểm (-2,37%) xuống 99,94 điểm và UPCom-Index mất 1,22 điểm xuống 53,91 điểm.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán SSI đánh giá những tác động ngắn hạn về mặt kinh tế từ dịch cúm corona, “những năm qua Việt Nam đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế, theo đó tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu/GDP chiếm tỷ lệ cao (196,6 %). Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.”
Trên thực tế, Việt Nam đã đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc (như Lào Cai, Lạng Sơn,…) đến ngày 8/2 đồng nghĩa sẽ hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus corona, do đó hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ những sự kiện nêu trên, ít nhất là trong ngắn hạn.
“GDP quý 1 có thể sẽ găp nhiều thách thức, Chính phủ có thể sẽ cần các yếu tố hỗ trợ để giúp tốc độ tăng trưởng hồi phục trong nửa cuối năm nay, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6.8% cho cả năm 2020,” nhóm phân tích của SSI dự báo.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại SSI cũng khuyến nghị một số nhóm ngành sẽ có diễn biến thuận lợi trong ngắn hạn nhờ tâm lý thị trường, như nhóm cổ phiếu dược phẩm. Bên cạnh đó, các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ vẫn tiếp tục được đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty trên thị trường. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện khí cũng sẽ được hưởng lợi từ giá dầu thô sụt giảm (do nhu cầu tiêu thụ dầu thô từ Trung Quốc có thể sẽ giảm) hay như ngành nước sạch, nhu cầu ngành này vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 7%/năm trong khi giá bán lẻ nước sạch bình quân tăng 3-5%/năm…/.
Ý kiến ()