Anh Hậu làm kinh tế giỏi
Anh Hậu chăm sóc đàn thỏ của gia đình |
Năm 2007, gia đình anh Hậu chỉ tập trung làm kinh tế từ nuôi cá quy mô nhỏ và chăn nuôi đàn lợn. Nhưng nguồn thu không cao, nhất là trong vài năm gần đây, chi phí đầu vào lớn, giá bán không ổn định lại hay bị dịch bệnh… Có năm, nuôi lợn bị hao hụt hết vốn vì ảnh hưởng dịch bệnh. Do vậy, hai vợ chồng anh đã bàn bạc, quyết định tìm hướng chăn nuôi mới. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, anh vừa chia sẻ: Đúng thời điểm đó, tôi được giới thiệu về phát triển đàn thỏ và thấy cũng phù hợp với khí hậu quê mình. Ngoài tìm hiểu trên sách, ti vi, tôi đã đi học tập kinh nghiệm thực tế và tìm mua giống tại tỉnh Nam Định. Cuối năm 2013, gia đình bắt đầu đầu tư xây, sửa hệ thống chuồng trại. Tháng 2 năm 2014, tôi mạnh dạn nuôi lứa thỏ đầu tiên với 50 con giống. Sau vài tháng, đàn thỏ đã sinh trưởng và phát triển được hơn 500 con. Tháng 10 vừa qua, gia đình đã được bán hơn 300 con thỏ thịt. Đầu ra cũng thuận lợi vì có một công ty chế biến thịt thỏ ở tỉnh Bắc Ninh thu mua với giá từ 70- 75 nghìn đồng/kg…
Từ nuôi thỏ, năm 2014, anh Hậu đã có nguồn thu nhập gần 60 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình anh còn có nguồn thu đáng kể từ cây na. Vườn na của gia đình anh có hơn 2 nghìn cây, mới trồng được 3 năm, cho thu hoạch vụ đầu này gần 30 triệu đồng. Diện tích ao nuôi cá khoảng bốn nghìn mét vuông gồm trắm, chép, trôi… những năm qua cho gia đình anh nguồn thu từ 50-60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn nuôi đàn dê gần chục con và 3 con lợn nái. Mô hình tổng hợp này đã cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng trong năm 2014.
Anh Hoàng Trung Hiệp, Bí thư Đoàn xã cho biết: Anh Hậu rất năng động, quyết tâm, chịu khó học hỏi, ứng dụng kĩ thuật, giống mới. Từ đó, phát triển kinh tế có hiệu quả cao, là mô hình kinh tế điển hình của thanh niên xã Yên Thịnh.
Được hỏi về bí quyết thành công, anh Hậu chia sẻ: “Cái khó ló cái khôn, tôi vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi, chịu khó ứng dụng kiến thức, kĩ thuật vào sản xuất. Như trong quá trình nuôi, thỏ hay mắc các bệnh như nấm, cầu trùng… thì phải theo dõi thường xuyên, cho uống thuốc, tiêm phòng kịp thời. Đặc biệt là thỏ ở rất sạch nên chuồng phải thoáng mát, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Các bước chăm sóc, phòng và chữa bệnh, vệ sinh chuồng trại đều làm đúng quy trình kỹ thuật như vậy nên cả đàn đều sinh trưởng, phát triển tốt…” Hiện nay, ngoài hiệu quả kinh tế cho gia đình, mô hình kinh tế của anh còn tạo việc làm cho 2 lao động nông thôn. Trong năm tới, anh dự định sẽ tiếp tục nhân rộng đàn thỏ, phát triển đàn dê… Với những nỗ lực, quyết tâm đó, tin rằng anh Hậu sẽ còn thành công hơn nữa trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế của toàn xã.
Ý kiến ()