Anh Hai Hùng - nghĩa nặng ơn sâu
PHAN VĂN KHẢINguyên Thủ tướng Chính phủ Đối với tôi, anh Hai Hùng là bậc "khai quốc công thần", là người lão trượng. Anh thuộc lớp chiến sĩ trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng, là một trong những người học trò xuất sắc của Bác Hồ.Tôi nhỏ tuổi hơn anh Hai tới gần hai con giáp. Năm 1933, khi anh hiên ngang đứng trước "vành móng ngựa" của tòa Đại hình Sài Gòn bằng dũng khí đấu tranh bất khuất, đã thẳng tay phản bác bản cáo trạng của bọn thực dân Pháp vô cớ kết án anh hai bản án tử hình trong cái gọi là "Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương", đã làm chấn động dư luận thuở đương thời. Năm ấy, là lúc tôi mới chào đời.Tên tuổi Phạm Hùng đã nhập tâm tôi từ thuở thiếu thời tại vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp của tỉnh Gia Định cùng với những nhà lãnh đạo hàng đầu trên chiến trường Nam Bộ: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh... Đến nay thời gian đã trôi qua hơn 60 năm, nhưng mỗi lần nhắc tới...
PHAN VĂN KHẢI
Nguyên Thủ tướng Chính phủ
Đối với tôi, anh Hai Hùng là bậc “khai quốc công thần”, là người lão trượng. Anh thuộc lớp chiến sĩ trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng, là một trong những người học trò xuất sắc của Bác Hồ.
Tôi nhỏ tuổi hơn anh Hai tới gần hai con giáp. Năm 1933, khi anh hiên ngang đứng trước “vành móng ngựa” của tòa Đại hình Sài Gòn bằng dũng khí đấu tranh bất khuất, đã thẳng tay phản bác bản cáo trạng của bọn thực dân Pháp vô cớ kết án anh hai bản án tử hình trong cái gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”, đã làm chấn động dư luận thuở đương thời. Năm ấy, là lúc tôi mới chào đời.
Tên tuổi Phạm Hùng đã nhập tâm tôi từ thuở thiếu thời tại vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp của tỉnh Gia Định cùng với những nhà lãnh đạo hàng đầu trên chiến trường Nam Bộ: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh… Đến nay thời gian đã trôi qua hơn 60 năm, nhưng mỗi lần nhắc tới các bậc đàn anh tài năng và đức độ ấy, khiến tôi nhớ mãi những năm tháng không thể nào quên.
Qua các câu chuyện kể trên những nẻo đường kháng chiến, anh Hai Hùng đã in đấu ấn đậm nét trong sự ngưỡng mộ của tôi bằng chất tinh hoa truyền thống thể hiện ở lòng trọng nghĩa khinh tài của người dân Nam Bộ: “Nhân kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Ngay từ năm 19 tuổi, anh đã biểu hiện rực rỡ cái dũng trong khí phách của mình bằng những phát đạn kết liễu cuộc đời Hương quản Trâu, tên tay sai đắc lực của Pháp khét tiếng gian ác, tại cuộc mít-tinh lớn của ba nghìn nông dân để kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5-1931 ở huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Trong 15 năm bị lưu đày tại nhà tù Côn Đảo, tinh thần “trọng nghĩa” của anh Hai còn được lan truyền thành những câu chuyện truyền kỳ đậm chất sử thi – đó là việc anh đã xả thân để chịu đòn thay cho những đồng chí bạn tù chí cốt của mình bị ốm đau, bệnh tật hoặc vì sức yếu tuổi cao, trong đó có Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Lê Văn Lương,…
Những năm tháng “biến nhà tù thành trường học” ở đảo Côn Lôn, anh Hai còn phát huy dũng khí của mình để giáo dục và cảm hóa những người tù thường án hung hãn. Đây vốn là những tay đao búa đã từng chọc trời khuấy nước ở chốn giang hồ. Bọn giám ngục và cai tù đã sử dụng họ để uy hiếp tinh thần anh em tù chính trị. Nhưng vì có đủ sức mạnh về nội lực và giỏi cả võ thuật, nên sau nhiều cuộc “thượng đài” để phân ranh thắng bại, anh Hai đã buộc số người này phải tâm phục khẩu phục mình cả về sự mưu trí và sức mạnh của lòng quả cảm.
Cho tới lúc Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, tôi vẫn chưa được tiếp cận với anh Hai Hùng, nhưng rất ngưỡng mộ anh, vì được biết anh đã đảm đương nhiều trọng trách trong cơ quan lãnh đạo đầu não: Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Phó Bí thư T.Ư Cục miền Nam, Bí thư kiêm Chính ủy và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Phân Liên Khu miền Đông Nam Bộ, Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ.
Sau khi tập kết ra miền bắc, chúng tôi hết sức phấn khởi khi nghe tin Trung ương bầu bổ sung anh Hai vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, cử anh làm Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế. Với cương vị Trưởng Ban Tài mậu Trung ương, anh đã có những sự chỉ đạo sắc bén trong việc phát huy chức năng của các ngành tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương và giá cả phục vụ đắc lực cho việc động viên mọi nguồn lực nhằm đập tan chiến tranh phá hoại, bảo vệ hậu phương ở miền bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện đến mức cao nhất cho tiền tuyến lớn ở miền nam. Những năm tháng tôi tham gia điều hành công việc của Chính phủ, nhiều đồng chí công tác ở các ban, ngành của Trung ương cho tôi biết trong thời gian làm Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế, anh Hai đã từng nổi tiếng là người quản lý rất chặt chiếc hầu bao của Đảng. Trong công việc nhập khẩu, chi tiêu ngoại tệ, anh kiểm tra sát sao đến từng danh mục các mặt hàng, số lượng cán bộ được cử đi công tác ở nước ngoài… để hạn chế tối đa những khoản chi tiêu không cần thiết. Anh thường giãi bày tâm sự: Nước ta còn nghèo, lại phải chi viện cho chiến trường miền nam. Nếu biết tiết kiệm một đô-la hay một rúp, có thể mua thêm được vài viên đạn để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam. Cao đẹp thay một con người, một nhân cách, một khát vọng, một tấm lòng!
Đối với anh Hai Hùng, việc thực hành tiết kiệm phải được đặt thành quốc sách. Trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chính anh đã đích thân chỉ đạo soạn thảo để ban hành một nghị định nổi tiếng – Nghị định 140/HĐBT ngày 15-9-1987 với nội dung triệt để tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản, tinh giản biên chế hành chính, hạn chế việc sử dụng ngoại tệ để nhập ô-tô con, các khoản chi tiêu về hội họp…
Tôi nghĩ rằng, giữa lúc chúng ta đang tiếp tục phát động sâu rộng trong đảng viên, cán bộ và nhân dân phong trào tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của Bác Hồ, giữa lúc cả nước đang triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, việc nêu cao những bài học quý giá của đồng chí Phạm Hùng trong việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người đảng viên cộng sản là điều vô cùng bổ ích.
Chính anh Hai Hùng là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng đã đề xuất nhiệm vụ phải học tập và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng. Những năm làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo “ba xây, ba chống”, anh đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề này trong công tác chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ XÂY và CHỐNG. Trong thời gian làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, anh đã phát động mạnh mẽ và sâu rộng phong trào học tập Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với công an nhân dân. Anh kiên quyết tuyên chiến với tệ nạn quan liêu thoát ly quần chúng và xa rời thực tiễn, bệnh chạy theo thành tích và phô trương hình thức, thái độ thiếu trách nhiệm trong công tác, tư tưởng hưởng thụ hưởng lạc và những biểu hiện của sự suy thoái về chính trị cũng như về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Tại cơ quan lãnh đạo đầu não của Hội đồng Bộ trưởng, với trọng trách là người đứng mũi chịu sào, anh yêu cầu trước hết bản thân Hội đồng Bộ trưởng phải thật sự đổi mới về chức năng, tổ chức bộ máy và phong cách theo tinh thần “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ.
Cũng như anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ), anh Hai Hùng đã để lại trong tôi nhiều bài học nằm lòng về công tác cán bộ đã được kết tinh bằng tính đảng, tính nhân văn và ý thức trách nhiệm sâu sắc. Hồi tưởng lại mấy mươi năm trước đây, khi tôi được Trung ương chọn để quy hoạch bồi dưỡng và đào tạo cán bộ lãnh đạo kế thừa, anh Hai Hùng đã trực tiếp tiến hành việc này rất tâm huyết, công phu theo những thao tác bài bản đã được định sẵn.
Trước hết, anh không tán thành ý kiến đề xuất rút tôi ra Hà Nội sớm. Anh chủ trương giao việc để thử thách tôi trong phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ của quần chúng tại một thành phố lớn và năng động nhất nước, đang chuyển mình trong công cuộc mở cửa, cải cách và đổi mới. Mỗi lần anh vào làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc những lúc tôi ra công tác ở Thủ đô Hà Nội, anh đều bố trí thời gian để nghe tôi báo cáo tình hình. Một điều rất cảm động là, anh Hai đã giao nhiệm vụ cho anh Mười Lâm – người trợ lý mẫn cán của anh, thường xuyên đến lấy chương trình công tác hàng tuần, hàng tháng và hàng quý của tôi để anh theo dõi và góp ý. Theo lời kể của anh Mười Lâm, anh Hai còn mở rộng diện tìm hiểu tôi qua việc thu thập ý kiến nhận xét của nhiều người, nhiều ngành, nhiều cơ quan và đơn vị có mối quan hệ công tác hoặc hiểu biết về tôi.
Anh Hai Hùng là nhà lãnh đạo tài năng, một nhân vật lịch sử đầy ấn tượng. Anh đã từng nằm sương, gối đất giữa chiến trường qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã biến trại giam và nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đã trải qua nhiều căn cứ địa kháng chiến nổi tiếng để lãnh đạo đánh giặc ngoại xâm: Chiến khu Đồng Tháp Mười, Chiến khu U Minh, Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Bắc Tây Ninh.
Sau khi anh Nguyễn Chí Thanh qua đời, anh Hai Hùng gần tám năm làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang quân Giải phóng. Trong Chiến dịch mùa Xuân đại thắng năm 1975, anh được Bộ Chính trị cử làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Viết tới đây, khiến tôi vô cùng xúc động nhớ tới bức điện lịch sử của anh cách đây 37 năm như hồi kèn xung trận, như lời hịch vang dậy núi sông. Khoảng 9 giờ ngày 30-4-1975, khi nhận được tin Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố trên đài phát thanh đề nghị với phía Cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho phát ngay bức điện hỏa tốc gửi thủ trưởng các đơn vị đang cầm quân trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao, chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!” (Ký tên: PHẠM HÙNG).
Bức điện lịch sử này có sức công phá như một cơn bão lửa trút lên đầu quân địch. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng đã phấp phới bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu ách đô hộ 117 năm của chủ nghĩa đế quốc vĩnh viễn cáo chung trên đất nước ta.
Viết về anh Hai Hùng, để kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của anh, sẽ là điều bất cập nếu chỉ diễn đạt tư tưởng và tình cảm của mình trên vài trang giấy. Vả chăng, tôi thuộc lứa tuổi đàn em, là lớp người đi sau, khó có thể viết được đầy đủ về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của anh Hai. Tôi mong rằng, bài viết này chỉ góp phần cung cấp thêm những gam mầu, để cho đời tạo nên bức ký họa chân dung tuyệt tác về anh Hai – người học trò xuất sắc của Bác Hồ, một chiến sĩ cộng sản nghìn thu bất tử.
Theo Nhandan
Ý kiến ()