Anh, Đức thảo luận về cách tiếp cận chung của G7 đối với Taliban
Thủ tướng Anh Johnson nhấn mạnh rằng bất kỳ sự công nhận nào với Taliban phải bao gồm điều kiện lực lượng này phải đảm bảo một hành lang an toàn cho những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước.
Trong cuộc điện đàm ngày 28/8 thảo luận về tình hình Afghanistan, Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Đức Angela Merkel đã nhất trí về sự cần thiết của hoạt động viện trợ quốc tế cũng như một cách tiếp cận chung của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đối với chính phủ tương lai của Afghanistan.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Johnson nêu rõ: “Thủ tướng và người đồng cấp Đức đã quyết tâm phối hợp cùng với các nước còn lại trong G7 để thực hiện một lộ trình giao thiệp với bất kỳ chính phủ mới nào của Afghanistan vốn đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần trước.”
Tuyên bố cho biết thêm Thủ tướng Johnson nhấn mạnh rằng bất kỳ sự công nhận và can dự nào với Taliban phải có điều kiện là lực lượng này phải đảm bảo một hành lang an toàn cho những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước và tôn trọng nhân quyền.
Theo một thống kê của hãng tin Reuters ngày 28/8, Mỹ và các đồng minh đã sơ tán khoảng 111.000 người khỏi Afghanistan kể từ ngày 14/8, trước thời điểm lực lượng Taliban tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moskva đang liên lạc đầy đủ với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) về tình hình ở Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường sự tương tác này.
Bộ trưởng Shoigu nêu rõ: “Chúng tôi liên lạc đầy đủ với các thành viên CSTO về tình hình Afghanistan. Sự tương tác của chúng tôi trong CSTO phải được tăng cường.”
Ông lưu ý các diễn biến ở Afghanistan có thể gây ra mối đe dọa cho các nước CSTO liên quan đến nạn buôn bán ma túy và sự xâm nhập của phiến quân.
Ông còn nhấn mạnh: “Chúng ta chắc chắn không muốn tất cả những điều này xảy ra đối với các quốc gia của chúng ta, các nước thành viên CSTO”./.
Ý kiến ()