Anh Định dám nghĩ, dám làm
(LSO) – Sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều khó khăn, anh Hoàng Văn Định (1986), ở thôn Làng Thẳm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn đã sớm phải tự lập kiếm sống. Sau nhiều năm bươn chải làm nhiều nghề, anh đã có hướng đi mới, làm giàu cho chính mình và góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn.
Vườn cây sa – chi của anh Hoàng Văn Định sinh trưởng,
phát triển tốt
Để làm được điều đó, anh Định đã đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Trong đó, anh rất ấn tượng với giống thỏ New Zealand được nuôi ở các tỉnh như: Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang… Đầu năm 2016, anh quyết định nuôi thử nghiệm 65 con thỏ giống bố, mẹ. Với hơn 400 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua sắm trang thiết bị và thỏ giống, chỉ sau 8 tháng, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên đàn thỏ phát triển tốt, sinh sản được trên 1.000 con.
Tháng 2/2017, anh xuất bán lô sản phẩm đầu tiên cho Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản. Đến nay, anh đã có thu nhập ổn định mỗi năm từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi thỏ.
Anh Hoàng Đình Ninh, Bí thư Đoàn xã Trấn Yên cho biết: Anh Hoàng Văn Định là một trong những thanh niên tiêu biểu dám nghĩ, dám làm. Qua mô hình phát triển kinh tế của mình, anh đã tạo niềm tin cho thanh niên trong xã, có hướng phát triển kinh tế và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Với quyết tâm làm giàu, không dừng lại ở đó, nhận thấy đất đai còn chưa được sử dụng hết và được sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, anh Định đã mạnh dạn thuê 7 ha đất của các hộ dân trong thôn, đầu tư phát triển trồng cây sa – chi.
Đưa chúng tôi tới thăm vườn, chỉ tay về phía những giàn cây sa – chi xanh rì, anh Định chia sẻ: Qua tìm hiểu từ mạng Internet, sách, báo và những lần đi thăm quan các mô hình trong và ngoài tỉnh, nhận thấy sa – chi là loại cây có giá trị kinh tế cao, chỉ đầu tư trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm. Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách, cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế sẽ cao. Sau khi nghiên cứu kỹ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, tháng 3/2018, anh mạnh dạn trồng thêm 20.000 cây sa – chi.
Là người đầu tiên ở địa phương mạo hiểm chọn giống cây mới để phát triển kinh tế, cũng có lúc anh lo lắng về hiệu quả và chất lượng của cây. Thế nhưng, cây hợp đất, hợp khí hậu miền đồi núi, nên vườn sa – chi phát triển tốt. Sau hơn nửa năm cây đã bắt đầu bói quả. Sản phẩm sau khi thu hoạch được công ty bao tiêu với giá thu mua quả khô là 40.000 đồng/kg hạt. Dự kiến tháng 11 này, gia đình anh sẽ thu được lứa quả đầu tiên khoảng 4 – 5 tấn, ước tính cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Định cho biết thêm: Hiện tại, tôi đang tiếp tục thuê thêm đất của các hộ dân để mở rộng diện tích trồng cây sa – chi. Vừa rồi, tôi đã ký kết với 3 công ty trong nước bao tiêu sản phẩm với sản lượng cung cấp khoảng 540 tấn/năm.
Hiện trang trại chăn nuôi thỏ và trồng cây sa – chi của gia đình anh Định đang sử dụng gần 10 lao động thời vụ, thu nhập mỗi tháng từ 3 – 5 triệu đồng/người. Anh dự định sẽ mở rộng diện tích trồng sa – chi và cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm nhằm tăng sản lượng, tạo việc làm cho bà con trong trong vùng.
Ý kiến ()