Anh cấp phép tiêm vaccine Moderna cho trẻ em, Nhật Bản chống dịch dựa trên 3 trụ cột
Theo Reuters, ngày 17/8, cơ quan quản lý dược phẩm của Anh cho biết đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Moderna cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA) đã xác nhận vaccine ngừa Covid-19 của Moderna bảo đảm an toàn và hiệu quả đối với nhóm tuổi này. MHRA không phát hiện bất cứ tác dụng phụ mới nào trong vaccine do Moderna sản xuất.
Vaccine của Moderna đã được cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu khuyến cáo sử dụng cho thanh niên. Hãng này cũng đang chờ động thái tương tự của cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ. Tại Anh, vaccine ngừa Covid-19 của Moderna đã được phê duyệt tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Khoảng 1,4 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi 16-17 trên toàn Vương quốc Anh dự kiến sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19, sau khi Chính phủ nhận được tư vấn từ Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI) vào ngày 4/8.
Theo đó, những người ở độ tuổi 16 và 17 được khuyến khích tiêm vaccine của Pfizer hoặc Moderna, theo hướng dẫn về tiêm chủng dành cho người trẻ tuổi ở Anh.
Dù phần lớn trẻ em chỉ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng khi mắc Covid-19, nhưng các em vẫn có thể làm lây lan virus gây bệnh, một số em có nguy cơ chuyển bệnh nặng.
Tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong, đặc biệt là khi Delta trở thành biến thể chủ đạo tại Anh và năm học mới sắp bắt đầu vào tháng 9 tới.
Nhật Bản chống dịch dựa trên 3 chính sách trụ cột
Trong nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản, Chính phủ nước này xác định sẽ đẩy mạnh 3 chính sách trụ cột là củng cố hệ thống y tế, kiểm soát sự lây lan và tiêm chủng vaccine.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhấn mạnh chủ trương trên tại cuộc họp báo công bố quyết định mở rộng áp dụng tình trạng khẩn cấp thêm 7 địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 10 địa phương.
Theo Thủ tướng Suga, nguyên nhân chủ yếu của đợt bùng phát lần này tại Nhật Bản là do biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh. Đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân lên trên hết, Chính phủ Nhật Bản xác định ưu tiên là củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, nhất là bảo đảm số giường bệnh chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Số liệu thống kê cũng cho thấy giới trẻ đang có xu hướng chiếm đa số các ca mắc Covid-19 mới. Do đó, để giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế, Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi người dân, nhất là giới trẻ, cần nêu cao ý thức bảo vệ cộng đồng, áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của chuyên gia y tế.
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh giải pháp giảm lưu lượng người di chuyển để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cụ thể yêu cầu cắt giảm 70% số người đi làm, 50% số người mua sắm, ăn uống tại các nhà hàng, trung tâm thương mại, khuyến khích làm việc từ xa, đặc biệt nhắm tới đối tượng là giới trẻ.
Chính phủ sẽ phân bổ một gói hỗ trợ mới trị giá 300 tỷ yên để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có các nhà hàng phải dừng bán đồ uống có cồn và rút ngắn thời gian kinh doanh.
Ngoài ra, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Thủ tướng Suga cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm 2 mũi cho một nửa dân số vào cuối tháng 8 và nâng tỷ lệ này lên 60% vào cuối tháng 9.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 18/8 (giờ Việt Nam):
Thế giới:209.332.106 ca mắc, 4.393.421 ca tử vong, 187.623.385 ca hồi phục
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 66.543.703 ca mắc, 974.644 ca tử vong
2. Châu Âu: 53.553.165 ca mắc, 1.153.235 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 45.336.935 ca mắc, 963.311 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 36.371.977 ca mắc, 1.114.540 ca tử vong
5. Châu Phi: 7.392.458 ca mắc, 185.867 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 133.147 ca mắc, 1.809 ca tử vong
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 37.892.089 ca mắc, 640.077 ca tử vong
2. Ấn Độ: 32.285.101 ca mắc, 432.552 ca tử vong
3. Brazil: 20.417.204 ca mắc, 570.718 ca tử vong
4. Nga: 6.642.559 ca mắc, 172.110 ca tử vong
5. Pháp: 6.504.978 ca mắc, 112.864 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 3.892.479 ca mắc, 120.013 ca tử vong
2. Philippines: 1.765.675 ca mắc, 30.462 ca tử vong
3. Malaysia: 1.444.270 ca mắc, 13.077 ca tử vong
4. Thái Lan: 948.442 ca mắc, 7.973 ca tử vong
5. Myanmar: 360.291 ca mắc, 13.623 ca tử vong
6. Việt Nam: 293.301 ca mắc, 6.472 ca tử vong
7. Campuchia: 86.597 ca mắc, 1.718 ca tử vong
8. Singapore: 66.281 ca mắc, 45 ca tử vong
9. Lào: 10.648 ca mắc, 09 ca tử vong
10. Brunei: 852 ca mắc, 03 ca tử vong
Theo Nhandan
Ý kiến ()