Anh cân nhắc áp dụng chương trình nghĩa vụ quốc gia bắt buộc
Nếu Đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 7 tới, Thủ tướng Anh Rishi Sunak muốn áp dụng chương trình nghĩa vụ quốc gia bắt buộc nhằm “mang lại cho giới trẻ một mục tiêu chung” và “niềm tự hào dân tộc”.
Vực dậy tinh thần dân tộc cho thanh niên
Trong tuyên bố mới đây, Thủ tướng Sunak thông báo, nếu Đảng Bảo thủ cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 4-7 tới, chính phủ của ông sẽ thiết lập chương trình Nghĩa vụ quốc gia bắt buộc. “Anh là đất nước tuyệt vời nhưng các thế hệ thanh niên không có cơ hội hoặc trải nghiệm thứ mà họ xứng đáng có được, đặc biệt trong một thế giới bất ổn khi các thế lực đang cố gắng chia rẽ xã hội”, Thủ tướng Sunak tuyên bố.
Theo người đứng đầu Chính phủ Anh, chương trình Nghĩa vụ quốc gia bắt buộc sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc và mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người trẻ tuổi. Thanh niên có thể học “các kỹ năng thực tế, làm những điều mới và đóng góp cho cộng đồng và đất nước của họ”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ James Cleverly bổ sung: Chương trình này sẽ bảo đảm cho những người trẻ không có việc làm, không được giáo dục-đào tạo hoặc có nguy cơ dính líu đến tội phạm, thoát khỏi “cuộc sống thất nghiệp và tội phạm”. Phát biểu trong chương trình Sunday Morning With Trevor Phillips của Sky News, Bộ trưởng Cleverly cũng khẳng định, kế hoạch này sẽ không ép buộc thanh niên phục vụ trong quân đội; không nhằm tăng cường sức mạnh quân đội mà là xây dựng xã hội nơi mọi người “sống hòa nhập hơn”, bất kể họ đến từ đâu, có tôn giáo và thu nhập như thế nào.
Một chương trình, hai lựa chọn
Tại Anh, Luật Nghĩa vụ quân sự được áp dụng vào năm 1947 sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo đó, nam giới từ 17 đến 21 tuổi phục vụ trong LLVT trong thời gian 18 tháng. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc kết thúc vào năm 1960. Tháng 5-2015, Hoàng tử Harry đã lên tiếng ủng hộ việc quay trở lại nghĩa vụ quân sự. Thống kê cho thấy, các LLVT Anh đã chứng kiến sự cắt giảm đáng kể với số lượng quân nhân giảm hơn 1/4 trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2024.
Trong khi đó, chương trình nghĩa vụ quốc gia bắt buộc mà Đảng Bảo thủ đề xuất sẽ không buộc thanh niên phải tham gia huấn luyện quân sự. Thay vào đó, sẽ có hai lựa chọn đối với thanh niên đủ 18 tuổi trở lên. Với lựa chọn đầu tiên, thanh niên có thể tham gia huấn luyện quân sự trong thời gian một năm. Các thanh niên có thể đăng ký một trong số 30.000 vị trí quân sự “chọn lọc” dành riêng cho thanh niên được coi là “sáng giá nhất và tốt nhất” trong các lĩnh vực như hậu cần, an ninh mạng hoặc các hoạt động ứng phó dân sự.
Lựa chọn thứ hai là thanh niên có thể tham gia hoạt động tình nguyện cộng đồng. Họ sẽ dành một ngày cuối tuần của mỗi tháng (tương đương với 25 ngày trong khoảng thời gian một năm) tham gia các hoạt động tình nguyện với các tổ chức từ thiện, dịch vụ cứu hỏa, cứu thương, tìm kiếm cứu nạn, dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và cơ sở hạ tầng quan trọng của địa phương.
Bộ trưởng Cleverly cho biết, những người tham gia huấn luyện quân sự trong thời gian một năm sẽ được trả lương, còn những người lựa chọn tham gia hoạt động tình nguyện cộng đồng sẽ không được trả lương.
Đảng Bảo thủ ước tính chi phí chương trình nghĩa vụ quốc gia bắt buộc khoảng 2,5 tỷ bảng Anh mỗi năm, trong đó 1,5 tỷ bảng Anh được trích từ Quỹ thịnh vượng chung của Anh và số còn lại dựa vào nguồn thu từ cuộc chiến chống trốn thuế.
Tuy nhiên, thông báo của Thủ tướng Sunak đã bị phe đối lập chỉ trích, đồng thời cáo buộc Đảng Bảo thủ đã làm suy sụp nền kinh tế Anh và làm giảm quân số LLVT. “LLVT của chúng ta từng khiến cả thế giới phải ghen tị. Chính phủ Bảo thủ đã cắt giảm số lượng quân đội và đang lên kế hoạch cắt giảm nhiều hơn về quy mô”, phát ngôn viên quốc phòng của Đảng Dân chủ tự do, nghị sĩ Richard Foord nói.
Ý kiến ()