Anh cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp Mỹ rút lui
Ngày 13/5, Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nhấn mạnh tầm quan trong của thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó khẳng định London cùng các đối tác châu Âu vẫn cam kết duy trì thỏa thuận này và Tehran cần tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Một người phát ngôn của Thủ tướng May nêu rõ: “Thủ tướng cho rằng an ninh quốc gia của cả Anh và Iran đều có liên quan tới việc duy trì thỏa thuận, đồng thời hoan nghênh việc Tổng thống Rouhani công khai cam kết tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận.”
Theo người phát ngôn này, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng Anh và Iran cần tiếp tục đối thoại và hướng tới cuộc họp Ngoại trưởng các nước Anh, Đức, Pháp và Iran tại Brussels vào ngày 15/5 tới.
Cuộc điện đàm trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức). Động thái này vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh, lo ngại nếu thỏa thuận trên sụp đổ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Tổng thống Iran nhấn mạnh động thái của Mỹ “vi phạm đạo đức và đi ngược lại các quy định quốc tế,” song cho biết nếu năm nước còn lại tham gia JCPOA tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này, Iran vẫn duy trì cam kết của mình.
Hiện Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif đang có chuyến công du nước ngoài nhằm tìm cách bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Ông đã tới Bắc Kinh ngày 13/5, trước khi đến Moskva và Brussels trong những ngày tới.
Trang mạng Icana.ir của Quốc hội Iran ngày 13/5 đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao nước này Abbas Araghchi tuyên bố các nước châu Âu có 45- 60 ngày để đưa ra những đảm bảo về việc bảo vệ các các lợi ích của Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Theo trang mạng trên, phát biểu tại Ủy ban Các vấn đề đối ngoại của Quốc hội, ông Araghchi nêu rõ nếu Iran không nhận được những đảm bảo như vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải đưa ra các quyết định cần thiết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 13/5 tuyên bố Pháp vẫn cam kết với thỏa thuận trên và cho rằng thỏa thuận này có thể ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Phát biểu với báo giới tại Dublin, Ngoại trưởng Le Drian nhấn mạnh lập trường của Pháp cho rằng “cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân rất quan trọng và thỏa thuận này đồng nghĩa có thể thực hiện không phổ biến hạt nhân vì Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân.”
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn truyền thông địa phương cho rằng việc Mỹ rút khỏi JCPOA và đe dọa nối lại các lệnh trừng phạt thương mại Iran đe dọa trực tiếp các lợi ích kinh tế của Thụy Sĩ và nhiều chính trị gia cho rằng cần đàm phán với Mỹ về vấn đề này.
Các nghị sỹ Thụy Sĩ cũng kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế Johann Schneider-Ammann sớm tìm một giải pháp ngoại giao với Washington, song chính quyền Bern chưa đưa ra phản hồi chính thức với đề nghị này. Một số ý kiến khác cho rằng Thụy Sĩ cần phối hợp với EU đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong hai năm gần đây, xuất khẩu từ Thụy Sĩ sang Iran đã tăng đều đặn và đạt 536 triệu USD năm ngoái, từ mức 334 triệu USD năm 2012
Về phần mình, Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm ngày 13/5 với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron một lần nữa kêu gọi đạt một thỏa thuận mới về Iran.
Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp đảm bảo hoạt động thương mại cân bằng, trong khi ông Trump “nhắc lại sự cần thiết phải đạt một thỏa thuận toàn diện, giải quyết mọi khía cạnh liên quan tới các hoạt động gây bất ổn của Iran tại Trung Đông.”
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington sẵn sàng làm việc với các nước châu Âu để đạt một thỏa thuận hạt nhân Iran mới “thực sự hiệu quả”./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()