Anh bắt đầu thử nghiệm tái nhiễm virus SARS-CoV-2
Ảnh: Reuters.
Ngày 19-4, các nhà khoa học Anh khởi động một nghiên cứu thử nghiệm mới cố tình cho những người tham gia đã từng mắc Covid-19 tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 một lần nữa để kiểm tra các phản ứng miễn dịch và khả năng tái nhiễm.
Vào tháng 2, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành “thử thách” các tình nguyện viên tiếp xúc với Covid-19 một cách có chủ ý để nghiên cứu sâu hơn về căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Nghiên cứu được khởi động hôm nay khác với nghiên cứu được công bố vào tháng 2, khi các nhà khoa học tìm cách tái nhiễm những người trước đó đã nhiễm Covid-19 trong nỗ lực nâng cao hiểu biết về khả năng miễn dịch, thay vì lây nhiễm lần đầu.
Giáo sư Helen McShane, chuyên gia tiêm chủng của Đại học Oxford, điều tra viên chính của nghiên cứu cho biết: “Thông tin từ công trình này sẽ cho phép chúng tôi thiết kế vaccine và phương pháp điều trị tốt hơn, đồng thời hiểu được sau khi mắc Covid-19, con người có được bảo vệ hay không và bảo vệ trong bao lâu”.
Theo bà Helen, nghiên cứu này cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được những phản ứng miễn dịch bảo vệ chống lại sự tái nhiễm.
Các nhà khoa học đã sử dụng các thử nghiệm thách thức con người trong nhiều thập kỷ để tìm hiểu thêm về các bệnh như sốt rét, cúm, thương hàn và dịch tả, đồng thời phát triển các phương pháp điều trị và vaccine chống lại chúng.
Trong giai đoạn 1, có tối đa 64 người tham gia khỏe mạnh, từ 18-30 tuổi, bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ít nhất ba tháng trước sẽ được tái nhiễm với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
Sau đó, họ sẽ được cách ly ít nhất 17 ngày và được theo dõi, và bất kỳ ai phát triển các triệu chứng sẽ được điều trị bằng kháng thể đơn dòng Regeneron.
Ý kiến ()