Anh, Ấn Độ lên kế hoạch kết nối các lưới điện xanh toàn cầu
Ngày 2/11, Vương quốc Anh và Ấn Độ đã khởi động kế hoạch cải thiện kết nối giữa các lưới điện của thế giới nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng xanh toàn cầu.
Theo đó, việc liên kết các lưới điện sẽ cho phép các khu vực dư thừa năng lượng tái tạo trên thế giới có thể chuyển năng lượng đến các khu vực bị thiếu hụt.
Được công bố trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland), “Sáng kiến Lưới điện xanh” đã nhận được sự ủng hộ của hơn 80 quốc gia.
Kế hoạch này có thể thiết lập một mô hình cho cách mà các nước giàu giúp những nước nghèo hơn giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Nếu thế giới phải hướng tới một tương lai xanh và sạch, thì các lưới điện xuyên quốc gia được kết nối liên thông này sẽ là những giải pháp quan trọng”.
“Sáng kiến Lưới điện xanh” là một phần của một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm đẩy mạnh triển khai công nghệ carbon thấp với chi phí hợp lý, tiến tới bao phủ hơn 70% nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố 5 mục tiêu đầu tiên của kế hoạch, còn được gọi là “Những bước đột phá ở Glasgow”, gồm thúc đẩy năng lượng sạch, ô tô không phát thải, sản xuất thép phát thải gần bằng 0, hydro carbon thấp và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã khởi động một sáng kiến với khoản hỗ trợ trị giá 4 tỷ USD nhằm giúp ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()