Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương
Ngày 16/11, lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” – một báu vật hoàng cung của Triều Nguyễn ở Việt Nam – đã được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để hồi hương, kết thúc hành trình hơn một năm thương thảo giữa các đối tác Việt Nam và Pháp. Sáng 18/11, ấn vàng đã về tới Việt Nam.
Ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 tức ngày 15/3/1823. Đây là Bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, nặng 10,78kg. (Ảnh: MINH DUY) |
Tham dự lễ chuyển giao có Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền; đại diện Bộ Công an; ông Nicolas Chibaeff, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ ngoại giao, đại diện cho phía Pháp; bà Krista Pikka, Vụ trưởng Vụ văn hóa và tình trạng khẩn cấp của UNESCO; ông Alexandre Millon, Chủ tịch Hãng Millon và đại diện dòng tộc Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.
Nỗ lực hồi hương tài sản quốc gia
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Quá trình hơn một năm qua thực sự là một thời gian dài đối với nhiều người chúng ta, từ khi có công bố thông tin về cuộc đấu giá rao bán ấn vàng của Bảo Đại, đến thỏa thuận dừng đấu giá và nguyên tắc chuyển giao ấn song phương, cho đến những thương thảo nhiều ngày để đạt thỏa thuận cụ thể.
Đó chỉ là một chặng đường rất ngắn trong cả hành trình mà chiếc ấn đã đi qua, bởi vì ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một tài sản quốc gia mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam. Ấn vàng hôm nay trở về với đất nước của nó, với cội nguồn của nó là một hành trình cam go nhưng cũng là một đoạn kết tuyệt đẹp, phần nào là sự trọn vẹn mà chúng ta đều mong muốn.
Kết quả này là công sức đóng góp của rất nhiều cá nhân, đơn vị. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đóng góp một phần công sức để ấn vàng trở về với đất nước Việt Nam, khi coi đây là một nhiệm vụ hàng đầu trong cả năm qua và thực sự đã triển khai nhiều nỗ lực và kiên trì để kết nối, thương thảo, vận động, thuyết phục, tập hợp thông tin.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của ấn vàng Hoàng đế chi bảo trong lịch sử quốc gia cũng như trong công tác bảo tồn di sản quốc gia, các cơ quan, đơn vị và cá nhân hảo tâm đã có sự phối hợp chặt chẽ, hợp đồng tác chiến để đạt được thành công này.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp của các cơ quan chức năng sở tại. (Ảnh: MINH DUY) |
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Đây không chỉ là những kỷ niệm khó quên, mà còn là niềm tự hào đối với tất cả chúng ta, vì góp được một bông hoa nữa trong lẵng hoa của năm 2023 kỷ niệm nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, đó là 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt-Pháp.
Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao thiện chí và sự trợ giúp của các đối tác, bạn bè, cộng đồng tại Pháp cũng như sự hợp tác và phối hợp của các cơ quan chức năng sở tại, của Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, Bộ Văn hóa, Bộ Nội vụ Pháp và Tổ chức UNESCO trong thời gian qua.
Hãng đấu giá Millon chuyển giao ấn vàng cho đại diện Việt Nam. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Đề cập quá trình hồi hương ấn vàng, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Tháng 10/2022, ngay khi tiếp nhận thông tin Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được giao đấu giá tại Pháp, nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của Ấn vàng, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về với đất nước.
Ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 tức ngày 15/3/1823. Đây là Bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, nặng 10,78kg.
Theo quy định của triều Nguyễn, ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…”. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng nhà Nguyễn.
Sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam và Pháp. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý để có thể đưa ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai nước.
Theo đó, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính với Pháp (hãng Millon) về quyền lợi các bên liên quan sở hữu Ấn vàng theo pháp luật của Pháp; đồng thời sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam bảo vệ, phát huy giá trị của Ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Sau đúng một năm liên tục, tích cực, trách nhiệm phối hợp của các bên, các thủ tục pháp lý để đưa ấn vàng trở về Việt Nam đã được hoàn thành.
Lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam diễn ra trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp. (Ảnh: MINH DUY) |
Theo Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền, buổi lễ chuyển giao ấn vàng là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.
Thông qua con đường ngoại giao văn hóa, Việt Nam đã và đang thể hiện cho thế giới thấy rằng Việt Nam có khả năng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của mình, cam kết duy trì sự tôn trọng và giữ gìn sự nguyên vẹn của di sản văn hóa dân tộc, đóng góp trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước 1970 của UNESCO.
Trong thời gian tới, Cục Di sản Văn hóa sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban Thư ký công ước Công ước 1970 của UNESCO về Danh mục để làm cơ sở tìm kiếm giải pháp đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Chia sẻ nỗ lực thực hiện trách nhiệm đại diện cho Việt Nam trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý đưa Ấn vàng về nước, ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, cho biết: Chúng tôi đã chuyển tiền đầy đủ tiền cho sàn Millon theo đúng điều khoản của hợp đồng. Đây là một sự kiện quan trọng đối với nhân dân Việt Nam nói chung và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nói riêng.
Kể từ ngày hôm nay, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng chính thức sở hữu, gìn giữ, bảo quản và phát huy các giá trị của ấn vàng Hoàng đế chi bảo, một di sản hết sức có giá trị về lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tiếp nhận ấn vàng để hồi hương. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Ông Nguyễn Thế Hồng bày tỏ: Việt Nam là một dân tộc có chiều dày về lịch sử và văn hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử đã để lại cho dân tộc ta rất nhiều di sản văn hóa hết sức phong phú và quý giá. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhiều di sản văn hóa giá trị đã bị mua bán, đem ra nước ngoài.
Việc hồi hương các di sản văn hóa của mỗi dân tộc là hết sức có ý nghĩa và hiện nay đang diễn ra một cách mạnh mẽ ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một công dân Việt Nam, chúng tôi luôn tự hào về các di sản văn hóa của dân tộc mình và có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay, tôi hy vọng, ngoài ấn vàng Hoàng đế chi bảo, sẽ còn nhiều di sản quý báu khác tiếp tục được hồi hương về Việt Nam, ngày càng làm giàu thêm cho kho tàng di sản của dân tộc.
Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc Ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916-1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo,” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được giao bán đấu giá tháng 11/2022.
Sự phối hợp của Pháp
Chia sẻ về sự phối hợp của các cơ quan Pháp, ông Nicolas Chibaeff, Giám đốc Lưu trữ (Bộ Ngoại giao Pháp) cho rằng việc chuyển giao ấn vàng là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ông Nicolas Chibaeff nhấn mạnh: Năm 2023 là một năm vô cùng đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, cũng như 10 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Thật là bất ngờ khi chúng ta không hề lên kế hoạch cho công tác chuyển giao ấn vàng này và là một sự trùng hợp khi diễn ra trong năm đặc biệt như năm nay. Sự kiện này có thể được coi như một biểu tượng góp phần củng cố hơn nữa tình hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam.
Lễ giao nhận ngày hôm nay là kết quả của tình đoàn kết giữa hai quốc gia, sự đồng lòng của các cá nhân và tổ chức, các cơ quan ban ngành giữa hai bên để chúng ta có thể đạt được trong hơn một năm qua.
Ông Nicolas Chibaeff, Giám đốc Lưu trữ (Bộ Ngoại giao Pháp) cho rằng sự kiện này như một biểu tượng góp phần củng cố hơn nữa tình hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Ngày 31/10/2022 đáng lẽ là ngày mà ấn vàng sẽ được đưa ra đấu giá. Nhưng Bộ Ngoại giao Pháp ở thời điểm đó đã nhận được thông tin thông báo từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Và chúng tôi đã kịp thời chuyển thông tin này đến các cơ quan ban ngành của Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp đã làm việc một cách khẩn trương để đưa ra được một giải pháp đi tới kết quả là ngày hôm nay, sự hồi hương của ấn vàng Việt Nam.
Những cổ vật có liên quan đến lịch sử đất nước đều mang một ý nghĩa to lớn đó chính là cội nguồn là điểm tựa tinh thần cho người dân của một quốc gia.
Ông Nicolas Chibaeff nói: Tôi tin rằng khi cổ vật này được quay trở về Việt Nam và trưng bày tại Bảo tàng Nam Hồng, khách tham quan khi tới ngắm cổ vật này đều sẽ xúc động. Và chúng tôi hy vọng sớm được đến với Việt Nam, đến với cội nguồn của chiếc ấn này.
Bà Krista Pikka, Vụ trưởng Vụ Văn hóa và tình trạng khẩn của UNESCO, đánh giá cao tinh thần đoàn kết quốc tế và hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ cổ vật. (Ảnh: MINH DUY) |
Đề cập đến công tác bảo tồn di sản của UNESCO, bà Krista Pikka, Vụ trưởng Vụ Văn hóa và tình trạng khẩn của UNESCO, nhấn mạnh: Việc hồi hương các cổ vật về quốc gia cội nguồn của chúng là một trong những ưu tiên trong chương trình hành động của UNESCO cũng như là của các nước thành viên. Và cái việc hồi hương này cũng đã được nhắc đến trong hội nghị Mondiacult 2022 tại Mexico.
Tôi xin được hoan nghênh tất cả những nỗ lực của tất cả mọi người đang có mặt trong buổi ngày hôm nay. Tôi cũng xin được nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết quốc tế và sự hợp tác quốc tế, trong việc giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa. UNESCO cũng rất vinh hạnh khi được là một phần nhỏ bé trong cái kết quả đẹp đẽ ngày hôm nay.
Tôi tin rằng khi cổ vật này được quay trở về Việt Nam và trưng bày tại Bảo tàng Nam Hồng, khách tham quan khi tới ngắm cổ vật này đều sẽ xúc động. Và chúng tôi hy vọng sớm được đến với Việt Nam, đến với cội nguồn của chiếc ấn này.
Ông Nicolas Chibaeff
Vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp
Chia sẻ về vai trò và nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết: Quá trình hồi hương ấn vàng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài trong 2 tuần, là khoảng thời gian gay cấn nhất khi ta tiếp nhận thông tin về cuộc đấu giá của hãng Millon rao bán ấn vàng của Bảo Đại và phải đấu tranh để dừng đấu giá và thỏa thuận song phương về việc chuyển giao ấn. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ lúc hai bên bước vào thương thảo để chuyển giao ấn và kéo dài hơn trong suốt một năm qua.
Có thể nói, trong cả 2 giai đoạn, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phát huy tinh thần chủ động, tham mưu, đồng hành, phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và đối tác phía Pháp để đạt đến kết quả ngày hôm nay.
Đại diện dòng tộc Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu tham dự lễ chuyển giao ấn vàng. (Ảnh: MINH DUY) |
Tới tháng 10/2022, Hãng đấu giá Millon đưa ấn vàng vào danh sách đấu giá trong ngày 31/10/2022. Ngay khi tiếp nhận thông tin Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được giao đấu giá tại Pháp.
Sau tất cả những nỗ lực đàm phán với Hãng Millon, vào ngày 31/10, đại diện phía Việt Nam và Hãng Millon đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng. Tiếp đó, Hãng Millon đã có thông cáo chính thức việc đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10 của Hãng.
Tới đầu năm 2023, ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng ở Bắc Ninh đã thương lượng và mua thành công ấn vàng. Giá thỏa thuận mua bán là 6.100.044 euro bao gồm thuế.
Và tới ngày 16/11/2023, lễ chuyển giao ấn vàng đã được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để hồi hương.
Trong giai đoạn đầu, trong vòng 2 tuần kể từ khi có thông báo đấu giá đến ngày đấu giá, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đồng thời tiến hành nhiều bước, một mặt là báo cáo và tham mưu với các cơ quan trong nước, mặt khác là tiến hành tiếp xúc với hãng đấu giá Millon; thông tin và đề nghị hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan chức năng của Pháp gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống, Thủ tướng và UNESCO; tìm hiểu và tiếp xúc với một số đối tác, bạn bè, cộng đồng nhằm xác định và tiếp cận với chủ sở hữu và người rao bán; trao đổi, tham vấn với một nhóm luật sư về trình tự, thủ tục pháp lý đối với việc ngăn bán đấu giá cổ vật.
Song song với việc tìm kiếm thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chủ động báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao về tình hình cập nhật theo từng ngày và diễn biến sự việc; kiến nghị đề xuất giải pháp, lộ trình cũng như xin ý kiến chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền. Các đối tác được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp liên hệ và đặt vấn đề đều tích cực hỗ trợ, tìm kiếm đầu mối, tư vấn tham khảo, giới thiệu các luật sư có kinh nghiệm để tư vấn, tham mưu, hỗ trợ và đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong tiếp xúc, làm việc với hãng đấu giá.
Ba ngày trước khi phiên đấu giá dự kiến diễn ra, sau nhiều giờ đồng hồ trao đổi, thương lượng giữa hai nhóm Luật sư của Việt Nam và của Hãng Millon, hãng Millon đã chấp thuận hoãn bán đấu giá ấn vàng để phía Việt Nam thương lượng chuyển nhượng cổ vật theo nguyên tắc thuận mua vừa bán.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Lễ chuyển giao ấn vàng là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY) |
Trong giai đoạn hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục hỗ trợ đoàn công tác liên ngành đàm phán việc chuyển nhượng ấn vàng với hãng Millon cũng như các đoàn công tác tiếp sau đó của Bảo tàng Nam Hồng trong thời gian một năm qua.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đóng vai trò là đầu mối thông tin giữa nhóm luật sư của ta với các cơ quan, đơn vị trong nước cũng như giữa phía Việt Nam và hãng Millon về trình tự, thủ tục liên quan đến chuyển nhượng, chuyển giao ấn; là tư vấn, tham mưu cho các cơ quan trong nước và Bảo tàng Nam Hồng trong các bước triển khai nhằm hồi hương ấn.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định: Thành công của việc hồi hương ấn vàng lần này phải kể đến sự tổng hợp của nhiều yếu tố: sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo và các cơ quan chức năng; sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và tham gia vào quá trình thương lượng, đàm phán; sự hợp tác của các cơ quan chức năng sở tại, của các đối tác, bạn bè, cộng đồng tại Pháp để giúp đỡ, hỗ trợ Sứ quán.
Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Hiện nay, trong sưu tập kim ngọc bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỷ (trong đó, có 2 kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỷ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn.
Đây là sưu tập ấn nằm trong sưu tập Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền cách mạng năm 1945 (Liên khu IV lưu giữ sau đó bàn giao cho Bộ Tài chính) và Bộ Tài chính giao cho Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) từ năm 1959. Sau đó, sưu tập được gửi lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2007, được bàn giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị cho đến nay.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()