Ấn tượng kinh tế Việt Nam
Dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam, dư luận quốc tế đã đưa ra những đánh giá và phân tích về thành tựu kinh tế đầy ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong những năm qua.
Bài viết đăng trên trang bnn.network cho rằng, những năm qua, Việt Nam đã khẳng định trên toàn cầu với tư cách là nền kinh tế năng động, nhận được đánh giá lạc quan từ các nhà kinh tế và các nhà quan sát. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn dịch Covid-19 đầy thử thách. Trang bnn.network cũng trích dẫn một báo cáo mới đây dự đoán rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong vài năm tới.
Trang bnn.network nhấn mạnh lĩnh vực logistics, xuất khẩu là trụ cột và động lực chính cho thành tích kinh tế ấn tượng của Việt Nam. Với mạng lưới tích hợp hiệu quả các dịch vụ vận tải hàng không, đường biển và đường bộ, ngành logistics Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy trao đổi hàng hóa qua biên giới. Nhờ đó, Việt Nam thu hút được lượng đầu tư nước ngoài đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tương tự, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù thương mại toàn cầu bị suy giảm do đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn tăng 6,5% so với năm trước đó-một minh chứng cho khả năng phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam còn được thúc đẩy nhờ năng suất lao động tăng và tiến bộ về mặt công nghệ. Việt Nam đã chú trọng phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế đang tăng trưởng. Hơn thế nữa, việc thúc đẩy số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số cũng góp phần duy trì, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: TUẤN HUY |
Bnn.network cho rằng, nhìn chung, sự trỗi dậy về kinh tế của Việt Nam ở châu Á là một câu chuyện về khả năng chống chịu, tăng trưởng và tiềm năng. Với những nền tảng vững chắc đã có cũng như với các chính sách và chiến lược đúng đắn được đề ra, Việt Nam đã sẵn sàng hướng tới sự tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tới.
Đề cập tới tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong khoảng 30 năm qua, trang fulcrum.sg của Singapore lại cho rằng, vị trí chiến lược, sự ổn định chính trị kết hợp với chi phí lao động thấp, mức thuế thu nhập doanh nghiệp cạnh tranh đã giúp Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả những “gã khổng lồ toàn cầu” và các biểu tượng công nghiệp như: Samsung, Intel, LG, Panasonic… Mức thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình chỉ 12,3% giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia cạnh tranh nhất ở châu Á về thu hút đầu tư.
Trong bài viết đề cập tới việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đăng trên tờ The Times of India, tác giả Rudroneel Ghosh nhận định, Việt Nam là quốc gia vô cùng năng động và là một trong những nền kinh tế thương mại cởi mở nhất ở khu vực. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, qua đó giúp kim ngạch thương mại năm 2022 đạt con số khổng lồ 732,5 tỷ USD. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt sau đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, gần đây, Việt Nam đã ký với Israel một FTA và trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện một thỏa thuận như vậy với quốc gia Trung Đông này. FTA với Israel sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các thị trường khác ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Âu.
Theo tờ The Star, Kasikornbank (KBank)-một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu của Thái Lan-gần đây đánh giá Việt Nam là tâm điểm tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á. “Với tỷ lệ tăng trưởng GDP liên tục được duy trì ở mức cao trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã củng cố vị trí là một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực”, KBank nêu rõ trong một thông báo.
Ngân hàng Thái Lan cũng dự báo rằng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ xếp thứ 30 toàn cầu về GDP.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/an-tuong-kinh-te-viet-nam-741097
Ý kiến ()