LSO-Khác với nhiều địa phương, khi thu hoạch xong người dân để trơ đất chờ vụ sau. Còn Lộc Bình, người dân không cho đất nghỉ. Với công thức phổ biến 2 lúa 3 màu đang mang lại những cánh đồng không chỉ có 50 triệu/ha.Nông dân xã Hữu Khánh, Lộc Bình làm đất bằng máy cày tayNhững ngày giá rét, mặc cho gió bấc thổi hun hút nhưng anh Hà Văn Học thôn Pò Lầy xã Đồng Bục vẫn trong bộ quần áo lính. Rét thế, gió vậy nhưng mồ hôi ướt đầm lưng áo. Chỉ kịp ngẩng lên chào khách, anh lại cắm những nhát xẻng phầm phập lật tung từng thớ đất rồi nói như thanh minh: “chú thông cảm, không mời vào nhà được, vì còn phải xong nốt đám ruộng này, hôm trước thu 4 sào khoai tây rồi, phải làm đất ngay, mà phải nhanh mới kịp gieo mạ”. Nói rồi anh lại tiếp tục phần việc của mình mặc cho bóng xế bắt đầu ập xuống. Không riêng gì anh, trên khắp tất cả các cánh đồng Lộc Bình, từ Bằng Khánh, Tú Đoạn, đến Na Dương, Lợi Bác, Xuân Lễ... người dân...
LSO-Khác với nhiều địa phương, khi thu hoạch xong người dân để trơ đất chờ vụ sau. Còn Lộc Bình, người dân không cho đất nghỉ. Với công thức phổ biến 2 lúa 3 màu đang mang lại những cánh đồng không chỉ có 50 triệu/ha.
|
Nông dân xã Hữu Khánh, Lộc Bình làm đất bằng máy cày tay |
Những ngày giá rét, mặc cho gió bấc thổi hun hút nhưng anh Hà Văn Học thôn Pò Lầy xã Đồng Bục vẫn trong bộ quần áo lính. Rét thế, gió vậy nhưng mồ hôi ướt đầm lưng áo. Chỉ kịp ngẩng lên chào khách, anh lại cắm những nhát xẻng phầm phập lật tung từng thớ đất rồi nói như thanh minh: “chú thông cảm, không mời vào nhà được, vì còn phải xong nốt đám ruộng này, hôm trước thu 4 sào khoai tây rồi, phải làm đất ngay, mà phải nhanh mới kịp gieo mạ”. Nói rồi anh lại tiếp tục phần việc của mình mặc cho bóng xế bắt đầu ập xuống. Không riêng gì anh, trên khắp tất cả các cánh đồng Lộc Bình, từ Bằng Khánh, Tú Đoạn, đến Na Dương, Lợi Bác, Xuân Lễ… người dân cũng đang hối hả làm đất vụ xuân, một không khí khác hẳn với những vùng đất mà tôi đã đi qua. Lộc Bình không cho đất nghỉ. Có lẽ vậy mà sản lượng rau màu của Lộc Bình không ngừng tăng, hiện mỗi năm huyện trồng trên 1.000 ha khoai tây, riêng khoai tây vụ đông đạt khoảng 800 ha, các cây rau màu khác cộng lại tổng diện tích gieo trồng rau màu đạt trên 2.500 ha. Để tiết kiệm, quay nhanh vòng quay của đất, sau khi thu hoạch xong người dân đã tận dụng thời gian, làm đất nhanh để rút ngắn khung thời vụ, làm vụ tiếp theo, vì vậy vòng quay của đất nhiều nơi đã tăng gấp 2,5 lần. Cũng khác các vụ trước, ở chân ruộng 1 vụ, người dân chỉ độc canh cây lúa rồi để đấy, nhưng khi nhận thức trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày năng suất cao để tận dụng đất, người dân đã tăng cường rau màu cộng với lúa. Công thức 2 lúa 3 màu đã trở nên phổ biến trên đồng đất Lộc Bình. Chỉ có 7 sào đất, 3 sào phải đi thuê, nhưng anh Hoàng Văn Thuận, thôn Kéo Mật xã Bằng Khánh là một trong những người trồng củ đậu đầu tiên trên đất Lộc Bình. Với số đất có hạn anh đã trồng 2 vụ củ đậu hoặc 1 vụ khoai, hoặc xen vào đó 1 vụ màu, cộng hai vụ lúa để giải quyết lượng thực. Từ 7 sào đất anh đã có thu nhập vài chục triệu đồng. Và đây là thu nhập khá phổ biến của người dân Bằng Khánh. Một điều cũng rất dễ nhận thấy trên các cánh đồng Lộc Bình, nếu đâu đó gặp cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau là chuyện quá hiếm, bởi tất cả đã được cơ giới hoá. Người dân đã biết tính toán sao cho tiết kiệm đất, hiệu quả kinh tế cao nhất.
Cũng khác các địa phương khác cơ cấu cây trồng ở Lộc Bình được chuyển dịch khá năng động, theo những người dân, sức tiêu thụ ở địa bàn có hạn, một số sản phẩm rau màu chưa thể vươn xa nên người dân tập trung làm phong phú sản phẩm. Điểm qua có thể nói, toàn tỉnh có cây gì thì Lộc Bình có cây đó, mùa nào thức ấy, cái lý chung là không cho đất nghỉ. Một số cây thế mạnh của huyện vẫn được phát huy như rau màu, dưa, củ đậu, khoai tây, ớt vụ đông và giờ có thêm cả cà chua trái vụ, các cây rau màu đặc sản, đậu đỗ các loại. Anh Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết hiện cơ cấu nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, huyện cũng đã có định hướng chỉ đạo nên nhân dân đã rất tự giác trong chuyển dịch cơ cấu, chủ động mùa vụ, năng động trong phát triển các cây rau màu mới để tạo hiệu quả kinh tế cao nhất. Và hiệu quả ấy đã khá rõ nét khi mà nhiều cánh đồng đã đạt trên 70 triệu/1ha, khung thời vụ được rút ngắn, vòng quay của đất tăng, điều đó chỉ có được khi người dân không cho đất nghỉ.
Đông Bắc
Ý kiến ()