Ấn tượng cuộc thi chúng em kể chuyện Bác Hồ
LSO-Có mặt tại vòng chung kết cuộc thi chúng em kể chuyện Bác Hồ do Hội Đồng đội tỉnh tổ chức tại Cung Thiếu nhi Lạng Sơn diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi bắt gặp ánh mắt rưng rưng của không ít phụ huynh, thiếu niên, nhi đồng cũng như các anh chị tổng phụ trách. Trong cả cuộc thi, không ít lần người kể chuyện cũng rơi nước mắt trước những chi tiết gây xúc động trong mỗi câu chuyện.
Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh tham gia cuộc thi |
Nhiều khán giả tại hội trường mắt ngấn lệ khi em Nguyễn Hữu Quang, huyện Lộc Bình kể lại câu chuyện Bác Hồ thăm gia đình chị Chín. Với chất giọng trầm ấm, truyền cảm, Quang kể: “Chồng chị mất, để lại 3 đứa con nhỏ, không có công ăn việc làm. Đêm 30 Tết, chị vẫn tranh thủ gánh nước thuê. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác… Bác nhìn chị, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo: Bác không thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai?” Kể đến đây, giọng em nghẹn lại xúc động trước sự quan tâm, ân cần, trìu mến của Bác Hồ đối với người lao động nghèo trên khắp đất nước. Em Hoàng Tấn Dũng, học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: những câu chuyện kể tại hội thi em đều đã được đọc nhưng qua cách kể của các bạn, lại có cảm nhận sâu sắc hơn, thấy hấp dẫn, cuốn hút hơn rất nhiều.
Cuộc thi chúng em kể chuyện Bác Hồ được triển khai từ tháng 4/2015 tại 3 cấp: cấp liên đội, cấp huyện và cấp tỉnh. Ngay từ khi phát động, cuộc thi đã thu hút hàng nghìn thiếu niên, nhi đồng tham gia. Những tư liệu, chuyện kể, tranh ảnh về Bác tại thư viện, tủ sách Bác Hồ đã phát huy tác dụng tích cực hỗ trợ các em tham khảo, tìm hiểu. Qua các vòng thi, Ban Tổ chức đã chọn ra 11 thí sinh đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Để tham gia cuộc thi này, mỗi thí sinh đều tích cực tìm hiểu tài liệu về Bác để chọn ra những câu chuyện đặc sắc nhất mang đến cuộc thi. Nhiều thí sinh tâm sự, chuyện nào cũng hay, cũng ý nghĩa nên các em đều bị cuốn hút vào các tập sách, đọc hết chuyện này đến chuyện khác. Không chỉ bản thân các em mà những bạn đóng vai phụ họa cho câu chuyện kể thêm sinh động cũng bị cuốn vào nên khi biểu diễn trên sân khấu, các em đều diễn rất có hồn, lột tả được phong thái của nhân vật. Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng Phụ trách Liên đội Trường THCS xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: ngoài những thí sinh trực tiếp thể hiện, các bạn cùng lớp, cùng trường được hóa thân vào vai diễn Bác Hồ, em thiếu nhi, anh bộ đội, chú thương binh… qua câu chuyện các em đều hiểu sâu sắc về Bác. Chính vậy, những câu chuyện giản dị, mộc mạc qua lời kể của các em trở nên sinh động, sâu sắc, gây xúc động mạnh cho người xem. Không chỉ đầu tư kỹ lưỡng cho giọng kể, các em còn xây dựng hoạt cảnh, trình chiếu hình ảnh về Bác, lồng ghép linh hoạt với hát, múa, đọc thơ… nên đã truyền tải ý nghĩa, thông điệp của câu chuyện đến với người xem.
Phần thi của các thí sinh tham gia cuộc thi |
Gây ấn tượng mạnh nhất là tiết mục đạt giải nhất tại cuộc thi, câu chuyện Bác Hồ với em thiếu nhi sống sót sau vụ đánh bom của giặc Mỹ qua lời kể của em Vy Nguyệt Hạ, Trường Tiểu học thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất song cách kể của Hạ đã cuốn hút khán giả từ đầu đến cuối câu truyện. Giọng kể chầm chậm như đưa khán giả trở về không gian của ngôi trường nhỏ ở huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau vụ đánh bom, tất cả học sinh trong trường đều thiệt mạng, duy chỉ có một em xin đến muộn do nhà có việc là sống sót. Dù bận trăm công, nghìn việc lớn của quốc gia, Bác vẫn không quên lớp học nhỏ đau thương, nơi thâm sâu xa vời trong muôn ngàn trường lớp khác. Không chỉ có giọng kể truyền cảm em còn hóa thân vào nhân vật trong hoạt cảnh máy bay Mỹ ném bom xuống lớp học khiến câu chuyện càng thêm hấp dẫn. Đặc biệt, chi tiết Bác đến thăm em học sinh duy nhất sống sót sau vụ ném bom đã khiến không ít người xem tại hội trường rơi nước mắt.
Những câu chuyện kể về Bác đều mang tính giáo dục cao qua nhân cách sống của Bác. Từ tìm hiểu, nghe kể, cảm nhận, các em sẽ học tập từ Bác đức tính giản dị, quan tâm, yêu thương, chăm sóc những người xung quanh. Đây cũng chính là nền nóng để các em hình thành nhân cách tốt, trở thành nhũng công dân có ích cho xã hội.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()