An toàn VSTP trong bếp ăn trường học - những vấn đề đặt ra
LSO-Trong 2 năm 2012 và 2013, tỉnh ta đều có vụ ngộ độc với đông người mắc tại nhà trường. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể của ngành GD&ĐT.
Các cấp dưỡng của Trường Mầm non thị trấn Bắc Sơn trong hội thi bữa ăn dinh dưỡng và an toàn trong trường mầm non |
Năm học 2013-2014, toàn ngành GD&ĐT có trên 720 trường từ cấp học mầm non, phổ thông đến giáo dục chuyên nghiệp. Số trường có bếp ăn tập thể, bán trú là trên 400 trường với gần 100 ngàn học sinh, sinh viên (HSSV) bán trú hoặc nội trú. Chất lượng nuôi nói chung và công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nói riêng ở các bếp ăn tập thể này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các công trình phụ trợ, nguồn thực phẩm, trang thiết bị và ý thức của người chế biến… Qua 5 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngành GD&ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình phụ trợ cho học sinh và giáo viên nội trú và bán trú, song đến đầu năm học này, toàn ngành mới chỉ có 75,8% số trường có nguồn nước sinh hoạt đạt yêu cầu, có nhà tiêu hợp vệ sinh; trong đó khối mầm non đạt 76,6%, khối tiểu học và THCS đạt 75,5%. Do áp lực của việc tách trường, thành lập mới và tổ chức nấu ăn tại trường cho học sinh các trường mầm non, trường phổ thông dân tộc bán trú, nên việc xây dựng cơ sở vật chất không đáp ứng được những quy định của một bếp ăn tập thể, nhất là công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.
Để đảm bảo cuộc sống cho 65 học sinh bán trú, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Hữu Lân (Lộc Bình) dựng tạm một cái bếp chừng 6m2, sự chật chội trong việc chế biến, đun nấu và thiếu các đường dẫn nước thải, nơi đổ rác thải, nên nguy cơ mất an toàn VSTP là rất cao. Cũng như vậy, trường Mầm non Hữu Lân phải nhờ Trường THCS từ phòng học, phòng nghỉ cho học sinh đến nhà vệ sinh; riêng nước sinh hoạt các cô phải đến nhà dân xin từng thùng từng chậu về để nấu ăn và phục vụ sinh hoạt cho học sinh. Đối với trường chính còn như vậy, thì tại các điểm trường, công tác phục vụ ăn bán trú cho học sinh quả là một vấn đề khó. Theo thống kê, trong 254 điểm trường mầm non trên toàn tỉnh, số điểm trường có nước sinh hoạt hợp vệ sinh chỉ đạt 51,5%, trong đó có những huyện đạt rất thấp như Chi Lăng 30,2%, Hữu Lũng 32,3%… Theo kết luận của cơ quan chuyên môn, trong 2 vụ ngộ độc có đông người mắc trong năm 2012 và 2013 tại 2 nhà trường của huyện Bắc Sơn, “thủ phạm” duy nhất là nguồn nước bị nhiễm khuẩn E.Coli với số lượng lớn.
Ngoài nguồn nước, việc cung ứng, chế biến thực phẩm cũng là một trong những nguy cơ. Đối với các bếp ăn tập thể ở các trường nội trú, trường khu vực thành phố, thị trấn thì nguồn cung cấp thực phẩm luôn được ổn định, có cam kết của nhà cung ứng, và như vậy độ “tin cậy” cao hơn. Tuy vậy, đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú thì việc cung ứng thực phẩm hoàn toàn do đội ngũ cán bộ giáo viên mua từ ngoài vào. Do nguồn hàng thiếu ổn định, thời gian vận chuyển chủ yếu bằng xe máy qua những cung đường dài, không ai có thể dám chắc là thực phẩm như thịt, rau không bị ô nhiễm.
Để đảm bảo an toàn VSTP và nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên cấp dưỡng, ngành Y tế và GD&ĐT đã phối hợp mở nhiều lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho cô nuôi. Các phòng GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thi cô nuôi giỏi cấp học mầm non, song nhiều trường vẫn thiếu đội ngũ cô nuôi có nghề và do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tiền công quá thấp, nhiều cô nuôi chưa tận tâm với công việc, làm việc cẩu thả, công tác vệ sinh kém. Tại nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú, có một thực trạng là giáo viên thay nhau làm cấp dưỡng, thừa nhiệt tình nhưng lại thiếu về kiến thức nấu ăn, nên chưa thực sự đạt sự tin tưởng về an toàn VSTP. Với nguồn kinh phí rất có hạn, các phòng GD&ĐT đã cố gắng “chắt chiu” để mua tủ bảo ôn, tủ lạnh lưu mẫu thức ăn cho các trường bán trú, song nhiều trường vẫn rất thiếu các điều kiện cơ bản để có một bếp ăn an toàn. Hiện nay, số trường có bếp ăn một chiều chỉ chiếm chưa đầy 10%; thậm chí một số trường ở khu vực thành phố, do điều kiện chật chội về mặt bằng cũng chưa thể xây bếp ăn một chiều, có trường còn để bếp ăn ở ngay cạnh nhà vệ sinh.
Cuối năm 2013, ngành y tế đã tổ chức đoàn thanh tra đột xuất đảm bảo an toàn VSTP tại các bếp ăn tập thể của 5 trường học tại 3 huyện là Chi Lăng, Bắc Sơn và Bình Gia. Kết luận của đoàn là cơ bản các bếp ăn tập thể chưa tuân thủ đúng quy định về an toàn VSTP; nguồn nước để sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống của học sinh chưa được giám sát, nguy cơ ô nhiễm là rất lớn. Hầu hết các trường tại các xã đều không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh ATTP.
Gạo hỗ trợ cho học sinh bán trú huyện Cao Lộc theo quyết định của chính phủ – Ảnh:THANH SƠN |
Mùa xuân, do đặc điểm thời tiết nóng ẩm nên là mùa của các vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Đảm bảo vệ sinh ATTP trong bếp ăn tập thể nói chung và các nhà trường nói riêng càng phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Tại hội nghị tổng kết năm 2013 của ngành Y tế, đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần phải tăng cường kiểm tra và hậu kiểm các bếp ăn tập thể trong ngành GD&ĐT. Trách nhiệm trước sinh mạng hàng ngàn học sinh không cho phép các nhà trường lơ là chủ quan vấn đề này.
MH
Ý kiến ()