An toàn từ sự chủ động
– Trong thời gian diễn ra lễ hội xuân, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nổ nào ở các cơ sở di tích, tín ngưỡng tâm linh. Có được kết quả đó, lực lượng chức năng đã chủ động các biện pháp thiết thực để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh kiểm tra thực tế tại Đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc)
Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có hơn 280 lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân. Để thực hiện tốt công tác PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), đảm bảo an toàn cho người dân và du khách thập phương du xuân và tham gia các hoạt động lễ hội trên địa bàn, ngay từ cuối năm 2022, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm an toàn PCCC&CNCH dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân năm 2023, triển khai đến 100% cơ sở tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là các điểm diễn ra lễ hội.
Thượng tá Bùi Huy Khánh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: Sử dụng điện chiếu sáng, điện sưởi ấm, giải trí và thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã… là những nguyên nhân thường gây ra cháy nổ nhiều nhất trong dịp tết và mùa lễ hội xuân. Do vậy, phòng đã chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành kế hoạch đợt cao điểm, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức tổng kiểm tra các địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, lễ hội đầu xuân thuộc địa bàn quản lý.
Theo đó, nội dung tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu như: quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe; tăng cường lực lượng thường trực trong thời điểm khách đến thực hiện các nghi lễ tâm linh và sau khi kết thúc công việc trong ngày; không để vật tư, hàng hóa, không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn… Với nhiều hình thức đa dạng, từ tháng 1/2023 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC đã gửi nội dung tuyên truyền đến 280 cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn các huyện, thành phố; phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 12 tin, bài, phóng sự tuyên truyền và phối hợp tổ chức được trên 500 lượt tuyên truyền lưu động. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh.
Đại đức Thích Bản Chung, Trụ trì chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng) cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, chúng tôi đã đặt biển thông báo, niêm yết nội quy ngay từ cổng chùa, bố trí bát hương lớn bên ngoài điện thờ và khu vực hóa vàng cách xa các gian thờ. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn du khách hành lễ đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. Mặt khác, nhà chùa đã phối hợp với Trung tâm Quản lý cửa khẩu tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh trước cổng chùa tuân thủ các quy định về an toàn PCCC.
Song song với tuyên truyền, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với công an các huyện tiến hành kiểm tra các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh có tổ chức lễ hội. Công tác kiểm tra tập trung chủ yếu vào các nội dung như: lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH; hệ thống điện; các khu vực thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã, việc sắp xếp phương tiện của du khách đảm bảo khoảng cách phục vụ cho việc tiếp cận chữa cháy và CNCH khi có sự cố.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn đã lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn bộ phận thường trực các cơ sở tâm linh khắc phục những hạn chế tồn tại và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn PCCC. Nhờ đó, ban quản lý di tích cấp xã, bộ phận thường trực các cơ sở ngày càng nâng cao nhận thức và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Bà Phạm Tuyết Lê, Phó trưởng Ban Quản lý di tích phường Vĩnh Trại, Trưởng Bộ phận Thường trực đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Tháng Giêng mùa lễ hội là thời điểm khách đến đền Kỳ Cùng tăng cao. Do đó, chúng tôi đã có kế hoạch hướng dẫn du khách thắp hương, nến đúng nơi quy định, hạn chế thắp trong đền. Nhà đền chuẩn bị 7 bình bọt chữa cháy, bố trí ở nơi hợp lý. Đội PCCC cơ sở của nhà đền có 9 thành viên thường xuyên túc trực tại đền để hướng dẫn Nhân dân và du khách hành lễ an toàn cũng như sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Với sự chủ động của lực lượng chức năng, các cơ sở tín ngưỡng tâm linh, các địa phương – nơi có lễ hội diễn ra đã tự giác chấp hành các quy định về PCCC&CNCH. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa ghi nhận có vụ cháy xảy ra tại các cơ sở di tích, tôn giáo, nơi diễn ra các lễ hội. Từ đó, góp phần tạo nên một mùa lễ hội xuân vui tươi, trang trọng, an toàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnhn
Ý kiến ()