An toàn tiêm chủng - ghi nhận ở Chi Lăng
LSO-Phấn đấu nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng mở rộng (TCMR) và an toàn tuyệt đối trong tiêm chủng là 2 mục tiêu mà ngành y tế Chi Lăng đang nỗ lực thực hiện ngay trong những tháng đầu năm 2014.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thượng Cường tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn |
Mới hơn 8 giờ sáng ngày 5/4/2014, Trạm y tế xã Thượng Cường đã đông người, các gia đình tranh thủ đưa con đi tiêm để về trồng nốt cây thuốc lá cuối vụ và chuẩn bị cho vụ chiêm xuân. Sáng thứ bảy là ngày nghỉ song lại “vào lịch” tiêm là mồng 5 hằng tháng, nên ngay từ sáng sớm, cán bộ và nhân viên của Trạm đã chuẩn bị chu đáo để đón người dân đưa trẻ đến tiêm. Đã tiêm xong mũi HIP, anh Bế Văn Khai, thôn Nà Nưa nhắc vợ ôm chắc con ngồi trên chiếc xe máy cà tàng đầy bùn đất, trước khi nổ máy ra về anh nói với chúng tôi: “Cho dù bận thời vụ và đường sá rất khó đi, song khi được y tế thôn báo cháu đến lịch tiêm là 2 vợ chồng phải thu xếp đưa con đi tiêm.
Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng em biết rằng cần phải tiêm chủng đầy đủ cho cháu; nên thỉnh thoảng 2 vợ chồng lại phải xem lại sổ tiêm xem con mình đã được tiêm đủ chưa để chủ động sắp xếp thời gian. Vì trạm y tế chỉ dành 1 ngày tiêm, nên nếu nhỡ là phải dừng lại cả tháng…” Chị Triệu Thị Hồng, thôn Quán Hàng bế đứa con 20 tháng tuổi trong tay cho biết, hôm nay con chị được tiêm mũi cuối, theo dõi 30 phút sau tiêm thấy cháu khỏe mạnh, an toàn, chị rất mừng và coi đó là việc hoàn thành trách nhiệm đầu tiên đối với việc bảo vệ sức khỏe của con mình.
Một trạm y tế tuy cũ kỹ và chật chội nhưng được sắp xếp gọn gàng, hợp lý, từ bàn khám sàng lọc, tư vấn do chính bác sĩ trạm trưởng phụ trách có sự giúp sức của chuyên trách dân số xã nhằm theo dõi các cháu trong danh sách tiêm, đến khu vực tiêm, khu vực ngồi chờ theo dõi sau tiêm… Trao đổi với chúng tôi trong giờ giải lao, Bác sĩ Lăng Thị Phương Thảo, Trạm trưởng cho biết: Thượng Cường là một xã tuy không rộng, dân không đông nhưng địa hình phức tạp, có cả vùng ven tỉnh lộ, có cả khu lân lũng như Lũng Luông, Lũng Ca… người dân đi lại khá vất vả. Vì vậy, việc sắp xếp hợp lý lịch tiêm và giữ mối liên hệ chặt chẽ với người dân là việc cần thiết để giảm thiểu thời gian đi lại cho bà con.
Theo đó, cứ đến mồng 4 hằng tháng, trạm tổ chức giao ban gồm cả cộng tác viên dân số, y tế thôn bản; trong giao ban, thông báo danh sách tiêm vào ngày hôm sau (mồng 5) để cả cộng tác viên dân số và y tế thôn bản nắm và thông báo cho từng gia đình có trẻ trong danh sách tiêm. Cùng với đó, trạm thông báo rộng rãi số máy liên lạc của trạm để người dân biết, khi có sự “trục trặc” như trẻ bị ốm, sốt… thì gọi điện để trạm biết và cho lời khuyên cụ thể về việc “hoãn tiêm” và cách chăm sóc trẻ ốm. Vì vậy người dân đỡ mất công đưa trẻ ra trạm mà không được tiêm; ý thức được điều đó, nên không có tình trạng trẻ phải hoãn tiêm sau khám sàng lọc. Chị cho biết, sáng hôm nay có 29 cháu tiêm mũi HIP, 8 cháu tiêm phòng lao và 6 phụ nữ có thai tiêm mũi AT, chiều nay sẽ tiêm phòng sởi cho các cháu đến lịch tiêm, số lượng như vậy là vừa phải và cán bộ y tế không phải chịu sức ép về số lượng.
Làm việc với Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng, chúng tôi được biết, năm 2013, toàn huyện có 1.430 trẻ trong tuổi tiêm và đã có 1.263 cháu được tiêm đầy đủ, đạt 88,32%. Trong điều kiện phải dừng tiêm vacxin Quynvaxem trong 5 tháng liền, tỷ lệ này là khá cao. Từ tháng 11/2013 và 3 tháng đầu năm 2014, Trung tâm chỉ đạo cho tất cả các trạm y tế thống kê chi tiết danh sách trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ, trong đó có cả trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sởi để tiến hành tiêm.
Cùng với đó, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cán bộ tiêm ở các trạm y tế, cán bộ y tế dự phòng, cán bộ Khoa sản của bệnh viện vừa quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ và của Sở Y tế, vừa tập huấn nghiệp vụ tiêm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quy trình tiêm chủng. Bác sĩ Lương Thị Khuyên, Đội y tế dự phòng của Trung tâm cho biết: trước những tai biến trong tiêm chủng ở một số địa phương trong cả nước, người dân Chi Lăng, nhất là những xã thuận lợi do được tiếp cận với các kênh thông tin đã khá băn khoăn, song do có sự phối hợp tuyên truyền và tinh thần trách nhiệm của các trạm xá, niềm tin của người dân đã được nâng lên. Trong những tháng đầu năm 2014, tỷ lệ trẻ được tiêm đã tăng lên, bà con đã không có tâm lý trì hoãn hoặc cho con mình “trốn tiêm”.
Bác sĩ Đỗ Thị Vui, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thông báo với chúng tôi, trong suốt 25 năm thực hiện TCMR, công tác tiêm chủng ở Chi Lăng luôn đạt tỷ lệ cao và tuyệt đối an toàn. Có được kết quả trên là do Trung tâm đã chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác an toàn tiêm từ khâu bảo quản, vận chuyển vacxin đến công tác tiêm, theo dõi sau tiêm. Năm 2013 được coi là năm khó khăn trong công tác TCMR, những vụ tai biến sau tiêm tại các địa phương khác trong cả nước đều được các cán bộ của Trung tâm cùng nhau phân tích và rút ra những bài học cho mình. Vì vậy, cán bộ tiêm cũng vững tâm hơn. Hiện nay cùng với TCMR, trung tâm đang rà soát kết quả tiêm bổ sung vacxin sởi đợt 1, tiến hành tiêm đợt 2, hướng tới tỷ lệ 100% số cháu trong độ tuổi được bảo vệ.
MINH HỒNG
Ý kiến ()