An toàn thực phẩm: Nỗi lo trước cổng trường
– Thời gian qua, tình trạng bán hàng ăn, các loại thực phẩm trước cổng trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm, điều này khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với học sinh ở các cấp học rất cao.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra quầy bán thực phẩm trước cổng Trường Tiểu học Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn
Những loại hàng thực thẩm thường được bày bán trước cổng trường phần lớn không rõ nguồn gốc, thời hạn sử dụng. Điều này tiểm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho học sinh khi mua để sử dụng.
Thực phẩm không đảm bảo an toàn
Dạo quanh một vòng tại nhiều cổng trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, có một thực trạng là thời điểm trước giờ vào học, sau giờ tan lớp, có rất nhiều quầy, xe đẩy bán hàng rong tại cổng trường.
Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 41 trường học từ cấp tiểu học đến THCS, phần lớn trước các cổng trường đều có các quầy, xe bán hàng rong các loại thực phẩm, trong đó phần lớn là những loại thực phẩm đã chế biến sẵn. Từ ngày 6/9 đến ngày 30/9/2023, các tổ công tác của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 đã thực hiện kiểm tra 9 cơ sở, cá nhân kinh doanh các loại thực phẩm trước cổng một số trường học trên địa bàn thành phố; phát hiện xử lý 7 cơ sở, cá nhân bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, chất lượng…
Ngoài Đội QLTT số 1, cũng từ ngày 6/9 đến 30/9/2023, các đội QLTT trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở, cá nhân bày bán các loại thực phẩm tại các cổng trường học. Qua kiểm tra, cơ quan QLTT đã xử phạt 32 cơ sở, cá nhân, tịch thu gần 1.000 đơn vị thực phẩm các loại như: xúc xích, chả mực nướng; chân gà đóng gói tẩm gia vị; thịt khô tẩm gia vị đóng túi; kem tươi; kẹo dẻo đóng túi… Tất cả những loại thực phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có bao bì hoặc có bao bì ghi chữ nước ngoài và không rõ thời hạn sử dụng. Đặc biệt, qua kiểm tra, có những loại thực phẩm chế biến chín có sử dụng các loại gia vị không thể kiểm chứng được chất lượng là loại gia vị gì.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số đội QLTT, các loại hàng hóa được bày bán trước cổng các trường học có một đặc điểm chung là bao bì rất bắt mắt, màu sắc thực phẩm sặc sỡ nhưng đều không rõ nguồn gốc cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng và các thông tin về chất lượng. Cùng đó, giá các loại thực phẩm này cũng rất rẻ, các em học sinh chỉ cần có khoảng 10.000 đồng là có thể mua 2 – 3 món ăn.
Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Qua kiểm tra, chủ các quầy bán hàng trước các cổng trường học cũng không biết rõ nguồn gốc các loại thực phẩm mà mình đang bán. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng thực phẩm không được kiểm soát khiến cho các em học sinh đứng trước nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao khi mua để ăn.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Vĩnh Trại mua thức ăn tại xe bán hàng lưu động trước cổng trường
Còn “bỏ ngỏ”
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 670 trường học, trong đó riêng cấp tiểu học và THCS có 400 trường. Thực trạng bán hàng, đặc biệt là bán các loại thực phẩm cho học sinh trước cổng các trường học tồn tại từ lâu.
Chị Trương Thị Oanh (ở đường Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Nhà tôi có hai cháu đang học tiểu học, ở độ tuổi này các cháu rất thích ăn vặt, vì thế các cháu thường xuyên đòi mua thức ăn được bán ngay tại cổng trường. Do tìm hiểu về những đồ ăn được bán tại cổng trường, tôi thấy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên không mua cho con.
Nhưng có lẽ đó chỉ là biện pháp tạm thời, vì nhiều khi đi học các cháu ăn cùng bạn bè thì cũng không thể quản lý được. Và chị Oanh thực sự lo lắng cho sức khỏe của các con khi sử dụng các loại thực phẩm được bày bán trước cổng trường học.
Ngày 6/9/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành công văn số 25623-CV/BTGTU về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm gửi các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, thành phố. Trong công văn nêu rõ: “Qua nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội của các cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, thì dư luận xã hội lo lắng và đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm các loại bánh kẹo, thực phẩm, đồ ăn… được bán ở khu vực các trường học”. Chính vì vậy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ liên quan tăng cường công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm được bán tại khu vực trường học. |
Không chỉ chị Oanh mà đây cũng là nỗi lo của hầu hết các bậc phụ huynh.
Trao đổi với lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, được biết, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã, phường, thị trấn. Tuy vậy, nhìn vào thực tế thì lực lượng chuyên trách của các phường, xã, thị trấn chưa xử lý được triệt để tình trạng các cá nhân bán các loại thực phẩm trước cổng trường học trên địa bàn quản lý.
Ông Lộc Công Ích, Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: Hằng năm, Ban An toàn thực phẩm của phường có xây dựng kế hoạch đi kiểm tra các quán bán hàng tại khu vực cổng trường, nhưng do thiếu các thiết bị kiểm tra nên việc kiểm tra chỉ bằng mắt thường như: sản phẩm có nhãn mác không, còn hạn sử dụng không, trong quá trình kiểm tra nếu thấy không còn hạn sử dụng hoặc không có nhãn mác rõ ràng thì tiến hành lập biên bản thu giữ. Còn cụ thể chất lượng có đảm bảo hay không thì rất khó kiểm định ngay thời điểm kiểm tra. Đồng thời, do thiếu cán bộ chuyên trách lĩnh vực này, nên thường thì chỉ thành lập đoàn kiểm tra vào thời điểm đầu năm học mới.
Qua tìm hiểu, thấy rằng, không chỉ chính quyền cấp xã, phường, thị trấn không thường xuyên kiểm tra mà các đoàn kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh, cấp huyện cũng chỉ tập trung kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cửa hàng quán kinh doanh lớn, còn các hàng quán trước cổng trường, nhất là tại các cổng trường ở vùng nông thôn, vùng sâu rất ít kiểm tra.
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra, xử lý một số cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tại cổng trường học nhưng việc kiểm tra xử lý của lực lượng QLTT cũng chỉ thực hiện theo kế hoạch cụ thể chứ không thể thường xuyên kiểm tra các quầy bán hàng ở tất cả các cổng trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực tế, việc xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là các quầy thực phẩm lưu động trước cổng trường học là rất khó. Bởi các cơ sở này không cố định, mặt hàng bán không nhiều. Do đó, khi kiểm tra, đa phần lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở và tịch thu, tiêu hủy những mặt hàng vi phạm, đồng thời tuyên truyền cho người bán hàng chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi không có lực lượng chức năng, những người bán hàng lưu động, bán hàng rong trước cổng trường lại tiếp tục bày bán.
Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Các điểm bán thức ăn trước cổng các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm. Các hoạt động kiểm tra của các lực lượng chức năng, của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn trong thời gian qua là biện pháp tức thời, ngăn chặn được ở một thời điểm nhất định. Còn để xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng thực phẩm trước cổng trường học thì chính quyền cơ sở phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên. Song song với đó, các nhà trường và các phụ huynh tiếp tục tăng cường giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn để các em học sinh, phụ huynh học sinh thấy rõ nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc sử dụng thực phẩm được bán trước cổng trường.
Xem tin liên quan
Ý kiến ()