An toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp: Đừng thờ ơ!
(LSO) – Thời gian gần đây, tai nạn lao động (TNLĐ) trong sản xuất nông nghiệp ở Lạng Sơn diễn ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan của người dân và công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn lao động cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế.
Ngày 18/5 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Đặng Hùng, trú xã Vân Mộng, huyện Văn Quan bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng máy cắt cỏ. Bệnh nhân bị máy cắt vào đến tận xương ống đồng, suýt đứt lìa chân trái. Nằm trên giường bệnh, ông Hùng cho biết: Khi ấy, máy bị giắt cỏ không chạy được, vì không cẩn thận, tôi quên tắt máy, sau khi cúi xuống gỡ xong chút cỏ ra thì máy chạy lại và bật vào chân.
Bệnh nhân bị tai nạn lao động do sử dụng máy cắt cỏ
Trường hợp của ông Hùng là một trong những tai nạn trong lao động sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2019 có 305 trường hợp nhập viện do tai nạn khi sử dụng máy móc nông nghiệp (máy cày, máy xay xát, máy cắt cỏ …), trèo hái hồi hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đầu năm 2020 đến nay, số bệnh nhân nhập viện cũng với lý do trên là 107 người.
Còn theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 101 vụ TNLĐ của người lao động không theo hợp đồng, trong đó, tai nạn của lao động giản đơn trong nông nghiệp là 92/101 vụ, chiếm hơn 90%. Trong số này, 14/92 vụ có người chết, 21 vụ có người bị thương nặng … Những con số này cho thấy tỉ lệ TNLĐ khi sản xuất nông nghiệp cũng như tỉ lệ thương vong là rất cao.
Nguyên nhân các vụ tai nạn trước hết là do người nông dân hiện nay vẫn còn tập quán canh tác lâu đời, lạc hậu; việc mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất tuỳ tiện, không theo liều lượng, thời gian, không rõ nguồn gốc xuất xứ và người sử dụng không hiểu rõ tác hại của thuốc; sử dụng máy móc chủ yếu theo kinh nghiệm, người này bảo người kia, ít hiểu sâu về điện, máy và các kỹ thuật chăm sóc, bảo dưỡng, bảo quản máy…
Một nguyên nhân khác là do công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh an toàn lao động (ATVSLĐ) còn hạn chế. Cụ thể, nội dung tuyên truyền còn thiếu các chuyên đề riêng về đảm bảo ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp, chưa có những minh hoạ trực quan để bà con dễ xem, dễ tiếp thu; hình thức cũng chưa đa dạng, chủ yếu là cán bộ phòng LĐTB&XH phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyên truyền tập trung hằng tháng, hàng quý, sau đó cán bộ chuyên trách mới tiến hành tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tại thôn, xã …
Bà Hoàng Thị Lê, Phó Trưởng Phòng Lao động việc làm – Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB&XH cho biết: “Từ cuối năm 2019, chúng tôi đã ghi nhận tình trạng này và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số giải pháp như: thống kê chi tiết, chính xác, phản ánh đúng thực trạng về người lao động và TNLĐ trong nông nghiệp hiện nay; xây dựng các nội dung tuyên truyền về sử dụng máy móc nông nghiệp, quần áo bảo hộ, thuốc bảo vệ thực vật, kiến thức đi rừng … phù hợp, dễ nhớ cho bà con; sử dụng nhiều hình thức từ tuyên truyền qua báo đài, loa truyền thanh đến tuyên truyền trực quan bằng áp phích, tờ rơi, hoặc cẩm nang đưa đến tận tay người dân … Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị chưa thể triển khai. Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về VSATLĐ trong năm nay”.
Thực trạng TNLĐ trong ngành nông nghiệp thời gian qua quả thực rất đáng báo động. Ðể nông dân tránh được rủi ro khi lao động sản xuất, đã đến lúc các ngành chức năng vào cuộc tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, tập huấn về VSATLĐ cho bà con. Bên cạnh đó, người lao động cần chủ động học hỏi khi được các cấp, ngành chức năng đào tạo, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo VSATLĐ để phòng tránh tai nạn cho chính mình và những người xung quanh.
ĐẶNG DŨNG
Ý kiến ()