An toàn lao động tại các công trình xây dựng dân sinh: Khó kiểm soát
(LSO) – Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến hết tháng 5/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 101 vụ tai nạn lao động ở nhóm lao động tự do. Trong đó, đã có những vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng dân sinh. Mới đây nhất, vào ngày 12/4/2020, trên địa bàn huyện Cao Lộc đã xảy ra 1 vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng dân sinh khiến 1 người tử vong. Thực tế này cho thấy, việc thực hiện các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) tại những công trình xây dựng dân sinh (chủ yếu là nhà ở) còn nhiều điều đáng quan ngại.
Quan sát tại một công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc vào ngày 27/5/2020, chúng tôi nhận thấy, trong quá trình thi công, các lao động tại đây không sử dụng bất cứ phương tiện bảo hộ lao động nào. Các lao động làm việc trên độ cao khoảng 15 m đều không sử dụng dây đeo an toàn. Bên cạnh đó, khi sử dụng ròng rọc vận chuyển vật liệu từ dưới mặt đất lên cao, các công nhân ở dưới đứng rất sát với vị trí dây kéo. Hệ thống giàn giáo tại đây sử dụng hoàn toàn bằng gỗ, ván không chắc chắn. Ngay thời điểm phóng viên có mặt để tác nghiệp, cũng đã chứng kiến một trường hợp gỗ và đinh sắt rơi từ trên cao xuống, may mắn là không có ai bị thương…
Lao động tại công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Cao Lộc
Anh Hoàng Văn Nhất (31 tuổi), thợ xây đang thi công tại đây cho biết: Tôi từng tham gia rất nhiều công trình xây dựng dân sinh, chủ yếu là nhà ở dân dụng. Thường thì trước khi làm việc, các chủ thầu chỉ nhắc nhở chúng tôi tự chuẩn bị bảo hộ lao động như áo, mũ, găng tay chứ không trang bị cho chúng tôi các phương tiện bảo hộ theo tiêu chuẩn.
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều công trình xây dựng dân sinh trên địa bàn tỉnh. Qua tìm hiểu tại một số công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng…, đặc biệt tại những vùng nông thôn, các tổ thợ xây thường là những người tại địa phương. Các nhóm thợ như trên tự nhận và tự thi công công trình trong khi không có chứng chỉ đào tạo nghề cũng như kiến thức về ATLĐ. Từ đó, dẫn tới tình trạng: lao động không có phương tiện bảo hộ; sử dụng các loại ván gỗ, tre để thay cho giàn giáo vô cùng nguy hiểm…
Trao đổi với nhiều lao động đang thực hiện xây dựng nhà ở chúng tôi thấy rằng, các lao động này đều không nắm được các quy định về ATLĐ. Những lao động như vậy thường làm việc theo kiểu người làm trước “dắt tay chỉ việc”, truyền đạt kinh nghiệm cho người sau là chính.
Lý giải tại sao các lao động không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, anh Tuấn (quê ở Bắc Giang) tổ trưởng một tổ thợ xây (đang thi công nhà ở trên địa bàn huyện Cao Lộc) cho biết: Tổ thợ chúng tôi gồm 7 thành viên, tuy nhiên, thợ xây, phụ vữa thường thay đổi liên tục tùy thuộc vào các công trình, thông thường chúng tôi thường thuê lao động tự do tại địa phương. Do tính chất thay đổi thường xuyên như vậy, chúng tôi không trang bị những phương tiện bảo hộ như mũ, quần áo, dây đeo… Cũng theo anh Tuấn, có một thực tế là phần lớn các thợ xây tự do thường cho rằng đeo bảo hộ rất vướng víu, không tiện lợi khi làm việc. Vì họ là lao động tự do, nên nếu yêu cầu gắt quá thì họ không làm nữa.
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), việc quản lý ATLĐ tại những công trình trên rất khó khăn. Đặc biệt là trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động thanh tra, kiểm tra bị gián đoạn do các đơn vị tập trung dồn lực để chống dịch trong khi lực lượng còn mỏng. Điều này dẫn đến việc các công trình xây dựng dân sinh chưa được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt là tại các vùng nông thôn, nhiều công trình xây dựng mang tính tự phát khiến các ngành chức năng khó nắm bắt kịp thời. Hơn nữa, tại cơ sở còn xảy ra tình trạng “giữ tình làng nghĩa xóm”, chưa có các biện pháp mạnh tay trong xử phạt vi phạm về ATLĐ.
Bà Hoàng Thị Lê, Phó Trưởng Phòng Lao động việc làm – Bảo hiểm xã hội (Sở LĐTBXH) cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành chức năng có thẩm quyền, đặc biệt là công tác quản lý từ cấp cơ sở. Cụ thể, ngay từ trước thi công, cần xác minh đầy đủ các điều kiện nhận thi công của chủ thầu công trình; tuyên truyền, hướng dẫn các chủ công trình nắm được các quy định về thực hiện ATLĐ để trực tiếp giám sát chủ thầu. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các trường hợp không chấp hành các quy định ATLĐ”.
Từ năm 2019 đến nay, Sở LĐTBXH đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn về kiến thức ATLĐ cho người lao động, thu hút hơn 2.000 người tham gia. Tuy vậy, người lao động tự do, mà ở đây là những lao động thực hiện xây dựng công trình dân sinh lại không tham gia. Sở LĐTBXH đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và khai thác khoáng sản.
Ngày 1/6/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 569/UBND-KGVX về phòng ngừa tai nạn lao động tái diễn do thi công xây dựng, trong đó có các công trình xây dựng dân sinh. Triển khai các nội dung của công văn, trong thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra về nội dung ATLĐ đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng dân sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác ATLĐ tại các công trình dân sinh, điều quan trọng nhất là ý thức chấp hành của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Ý kiến ()