An toàn khu bên sông Ðuống
Nằm cận kề Hà Nội, Ðình Bảng là vùng địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến lâu đời, vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây cũng là địa bàn An toàn khu (ATK) của Trung ương Ðảng trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nằm cận kề Hà Nội, Ðình Bảng là vùng địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến lâu đời, vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây cũng là địa bàn An toàn khu (ATK) của Trung ương Ðảng trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Từ trên cao nhìn xuống, dải đất Ðình Bảng- Từ Sơn (Bắc Ninh) nằm ở ngã ba của sông Hồng, sông Ðuống và sông Tiêu Tương. Sử cũ ghi: Ðình Bảng là đất phát tích vương triều Lý, khai sáng nền văn minh Ðại Việt. Trong phạm vi hơn 2 km2, Ðình Bảng có một quần thể văn hóa kiến trúc tầm cỡ quốc gia, gồm: đình, đền, chùa, lăng, tẩm… mang đặc trưng của văn hóa làng Việt Nam. Ðình Bảng nay là khu đô thị khá sầm uất, văn minh với gần 20 nghìn nhân khẩu.
Nhà sử học Lê Mậu Hãn nhớ lại: Vào cuối năm 1941, trước sự khủng bố điên cuồng của kẻ thù, Ðảng ta quyết định xây dựng ATK của Trung ương Ðảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở một số địa phương chung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Hà Ðông, Vĩnh Yên, Phúc Yên. Các cơ sở cách mạng ở làng Ðình Bảng, Phù Khê, Chùa Ðồng Kỵ, Ðồng Hương, Lã, Lành (Từ Sơn) thành vùng lõi của ATK I ở Bắc Ninh.
Là địa bàn có phong trào mạnh, cơ sở vững, lại thuận tiện cơ động, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ðó là Hội nghị T.Ư Ðảng lần thứ VII (tháng 11-1940).
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Ðông Dương. Ngay đêm đó, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã họp nhận định tình hình, đánh giá về bản chất cách mạng và thời cơ cách mạng. Ban đầu Hội nghị họp tại chùa Ðồng Kỵ, nhưng do có dấu hiệu không an toàn nên đã chuyển về nhà thờ họ Nguyễn ở Ðình Bảng. Hội nghị do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Thành phần tham dự gồm các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Lê Ðức Thọ, Trần Ðăng Ninh. Ðến trưa ngày 12-3-1945, cuộc họp kết thúc. Hội nghị ra bản Chỉ thị lịch sử “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, thúc đẩy cao trào cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.
Về Ðình Bảng, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Ðức Thìn dẫn chúng tôi đi thăm lại các gia đình và địa chỉ cách mạng của Từ Sơn. Ông từng là đội viên Ðội thiếu niên du kích Ðình Bảng. Ðội được thành lập từ tháng 5-1941, do Chi bộ Ðình Bảng lãnh đạo, có nhiệm vụ bí mật theo dõi tình hình địch, bảo vệ cán bộ Trung ương Ðảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đi về hoạt động. Ông với đồng chí Lê Quang Ðạo (tên thật là Nguyễn Ðức Nguyện) là anh em họ và cùng là cháu cụ Hương Bổng (Nguyễn Thị Phủng), một trong 12 gia đình ở Ðình Bảng có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của Ðảng hoạt động tại Ðình Bảng trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Hơn 80 năm qua, từ khi có Ðảng, có Chi bộ Ðảng đầu tiên được thành lập tháng 8-1940, do đồng chí Lê Quang Ðạo làm Bí thư chi bộ, Ðình Bảng đã có những người con ưu tú trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, một lòng theo Ðảng phục vụ nhân dân. Nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước và Quân đội như Nguyễn Duy Thân, Lê Quang Ðạo, Nguyễn Ly, Lê Quang Tuấn, Nguyễn Hữu Xuyến… Sau này, hàng nghìn người con quê hương Ðình Bảng tham gia các cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại. Có 136 người trong số họ là liệt sĩ. Bí thư Ðảng ủy phường Ðình Bảng, đồng chí Nguyễn Tiến Doanh cho biết: Từ chi bộ đầu tiên có ba đồng chí, Ðảng bộ xã nay đã có 501 đảng viên.
Tầm vóc của Ðình Bảng hôm nay được đánh dấu bằng bước đột phá từ quy hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, Ðình Bảng đã dồn sức hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 200 ha xây dựng các khu đô thị và thương mại, dịch vụ như khu Mả Ông, Lỗ Sung, Ba Za. Hiện nay, ở Ðình Bảng có 104 công ty trách nhiệm hữu hạn, 36 HTX dịch vụ và doanh nghiệp tư nhân với 1.422 hộ kinh doanh vừa và nhỏ đang hoạt động tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Ðình Bảng cũng là địa bàn đi tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND phường Ðình Bảng Cao Thị Hồng Liên, giới thiệu: Ðã mười năm liền HTX dịch vụ nông nghiệp Ðình Bảng được Liên minh các HTX Việt Nam bình chọn là “HTX điển hình tiên tiến toàn quốc”, năm 2011, được Chính phủ tặng Cờ “Ðơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”. Từ chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy, UBND, và vai trò “bà đỡ” của HTX nông nghiệp, Ðình Bảng đã chuyển dịch cơ cấu đất đai canh tác, cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Theo đó, gần 100 ha đồng trũng, trồng lúa kém hiệu quả của Ðình Bảng đã được chuyển sang nuôi trồng cá nước ngọt. HTX vận động bà con chuyển 250 ha trồng lúa sang trồng lúa giống mới, cây đặc sản. Quy hoạch vùng phát triển trồng hoa công nghệ cao, khu chăn nuôi con đặc sản… Xã viên của HTX được tập huấn về đổi mới cây, con giống, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ðến nay, doanh thu bình quân của hộ nông dân Ðình Bảng đạt hơn 90 triệu đồng/ha. Từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều hộ xã viên như gia đình các anh: Nguyễn Khắc Mạnh với sản phẩm lan Hồ Ðiệp; Nguyễn Trọng Thủy trồng hoa ly hay Nguyễn Thịnh Quang… đạt doanh thu từ năm đến mười tỷ đồng/năm. Nông dân Ðình Bảng đã lập các trang web để quảng bá, tiêu thụ 20 loại sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với sự nghiệp đổi mới, người Ðình Bảng không ngừng gìn giữ, phát huy truyền thống văn hiến. Ðảng bộ và nhân dân cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục, hệ thống nhà trường của Ðình Bảng đồng bộ, cơ sở vật chất tiên tiến. Cả ba ngôi trường có gần ba nghìn học sinh theo học, luôn giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Ðảng bộ và nhân dân Ðình Bảng đã huy động trí tuệ và vật chất tu bổ và nâng cấp các quần thể kiến trúc văn hóa kết hợp xây dựng mới hệ thống nhà văn hóa ở tất cả các khu phố. Các lễ hội truyền thống cùng thuần phong mỹ tục của quê hương được bảo tồn và phát huy. Vì thế Ðình Bảng cũng là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nằm cận kề Thủ đô Hà Nội.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()