An toàn khu Bắc Sơn xưa và nay
LSO-Ngày 23/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1714/QĐ-TTg công nhận 8 xã của huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) thuộc vùng An toàn khu (ATK) của Trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao gồm các xã: Vũ Lễ, Tân Hương, Tân Lập, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh, Hưng Vũ. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn và của toàn tỉnh Lạng Sơn.
Đình Nông Lục, nơi trước kia các cụ họp bàn việc nước, ngày nay thu hút nhiều khách đến tham quan |
Với địa hình đồi núi hiểm trở, đầu những năm 1940, Bắc Sơn trở thành căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của các cán bộ cao cấp Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ, như các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Lương Văn Tri, Lê Xuân Thụ… Sau khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Pắc Pó (Cao Bằng), các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng đã về Bắc Sơn và ở lại đây 42 ngày để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) – Võ Nhai (Thái Nguyên). Trong suốt thời gian các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Sơn đã được nhân dân che chở, nuôi giấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn và tạo mọi điều kiện để các đồng chí công tác. Nhiều người đã không quản ngại hi sinh, vất vả sẵn sàng giúp đỡ về mọi mặt, giữ bí mật tuyệt đối cho cán bộ cách mạng, không có đồng chí nào bị bắt hay giết hại trong thời gian hoạt động tại đây.
Thấm thoát đã hơn 70 năm, nhưng trong ký ức của những người cán bộ lão thành cách mạng vẫn còn nhớ như in những ngày tháng lịch sử đó. Ông Dương Công Chiến (thôn Tân Sơn, xã Quỳnh Sơn) xúc động kể, cuối 9/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, ông cùng với nhân dân tập kích đánh Pháp tại cầu Rá Riềng, phá hủy 1 xe ô tô, thu được nhiều hòm đạn và súng trường giao lại cho quân khởi nghĩa sử dụng đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, góp phần làm nên tháng lợi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Đến tháng 8/1941, ông lại trong hàng ngũ những người lính được bố trí bảo vệ Tiểu đội Cứu quốc quân I an toàn qua cầu Giảng để rút lên vùng biên giới phía Bắc. Là gia đình có công với cách mạng, vợ chồng ông bà được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều bằng khen, huân huy chương. Hàng năm, gia đình luôn nhận được sự quan tâm động viên, khích lệ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Con cháu học hành cũng rất thuận lợi, thành đạt nhờ vào những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Đi trên những con đường trải bê tông thẳng tắp vào các thôn, xã, chúng tôi cảm nhận được sự no ấm, bình yên của mảnh đất và con người nơi đây. Hiện nay, 8 xã vùng ATK thuộc khu vực vùng I, vùng II, điều kiện kinh tế xã hội khá phát triển với bình quân lương thực là 545,5 kg/người; thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân 12,38% (mức bình quân của toàn huyện là 20,77%). Hiện nay, các xã an toàn khu có 526 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, gồm: liệt sĩ, thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa. Nhằm thể hiện lòng biết ơn, tri ân với những người đã hy sinh xương máu cho hòa bình độc lập, cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm thăm hỏi, động viên các gia đình vào những ngày lễ, tết và có biện pháp hỗ trợ khi các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Đồng thời thực hiện các chế độ chính sách đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật. Các thiết chế về văn hóa được đầu tư xây dựng khá đầy đủ. Giáo dục có đầy đủ cả 3 cấp học, có nhiều trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Toàn huyện có 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới thì có 3 xã thuộc vùng ATK đó là: Hưng Vĩnh, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn. Do đó, các cơ sở vật chất, hạ tầng của các xã này luôn được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, làng Du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn mới được công nhận và đưa vào khai thác (từ 7/2013) đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đời sống nhân dân ở các xã còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, trong các xã ATK vẫn còn 1 thôn vùng 3 (thôn Lân Kẽm, xã Vũ Lễ) với tỷ lệ hộ nghèo trên 97%. Cơ sở hạ tầng của một số xã còn thiếu và yếu, nhất là về giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trụ sở làm việc… Đường giao thông vào xã Tân Hương, Tân Lập đã xuống cấp. Xã Vũ Lễ vẫn còn 3 thôn (Lân Kẽm, Khang Hạ, Khuôn Bồng) với 240/240 hộ dân chưa dược sử dụng điện lưới quốc gia. Các điểm di tích quốc gia đã được xếp hạng đang dần xuống cấp, chưa được đầu tư, tôn tạo, nâng cấp để tương xứng với giá trị truyền thống, lịch sử của các di tích… Ông Nguyễn Phúc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết, được công nhận là 8 xã ATK của Trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trung ương có kế hoạch hỗ trợ mỗi xã 5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng căn cứ cách mạng. Đầu tháng 10/2013, UBND huyện đã triển khai, chỉ đạo các xã họp bàn lựa chọn các hạng mục đầu tư, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể trong từng năm, từng giai đoạn. Đơn cử như: xã Hưng Vũ cần xây nhà công vụ cho trường THCS xã, tu sửa các hạng mục đình Nông Lục; xã Bắc Sơn cần trùng tu, tôn tạo đình Giục Lắc… Căn cứ vào đó, huyện sẽ lập kế hoạch, dự án trình UBND tỉnh, Trung ương phê duyệt và tiến hành thực hiện ngay trong năm tới.
Ý kiến ()