An toàn khai thác đá: Bài học còn nóng hổi
LSO-Hậu quả đau lòng từ việc khai thác đá trái phép ở thôn Lay I, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng đã trôi qua gần 3 tháng.
LSO-Hậu quả đau lòng từ việc khai thác đá trái phép ở thôn Lay I, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng đã trôi qua gần 3 tháng. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kiên quyết xóa bỏ các điểm mỏ khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh và xử lý cá nhân, tổ chức có liên quan. Ngay sau chỉ đạo này, các mỏ đá “thổ phỉ” tại xã Thanh Sơn nói riêng và huyện Hữu Lũng nói chung cơ bản chấm dứt. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với an toàn trong khai thác đá được đảm bảo.
12 năm, 4 mạng người
Một máy khai thác đá trên địa bàn xã Thanh Sơn đã ngừng hoạt động |
Tai nạn lở đá gây chết người ở mỏ đá thổ phỉ trên địa bàn thôn Lay I, xã Thanh Sơn đã trôi qua gần 3 tháng, nhưng bà con nhân dân thôn Lay I nói riêng và cả xã Thanh Sơn vẫn quặn lòng khi nhắc lại chuyện cũ. Thực chất cũng tại mỏ đá này năm 2001 cũng đã từng xảy ra tai nạn làm chết 2 người. Thế nhưng bài học đau lòng ấy không khiến người khai thác chùn bước và cũng không làm cho các cấp quản lý mạnh tay hơn. Để rồi 12 năm sau câu chuyện lại tái diễn, lần này không chỉ 2 người chết mà còn 2 nạn nhân bị thương nặng.
Núi Rùa chưa bao giờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho một tổ chức hay cá nhân. Việc khai thác đá chỉ là tự phát của nhân dân địa phương từ những năm 90 của thế kỷ trước. Qua thời gian khai thác trái phép đã hình thành lên hai mỏ khai thác với quy mô tương đối lớn. Do tự phát nên các mỏ này khai thác theo kiểm nổ mìn, khoét hàm ếch, cắt chân, điều tối kỵ trong khai thác đá. Hậu quả là trong vòng 12 năm trở lại đây, 4 mạng người lao động đã tử nạn bên trong các mỏ đá dưới chân núi Rùa.
Nhắc lại việc cũ, Chủ tịch UBND xã Sầm Văn Thao, giọng trầm buồn tâm sự: “Sự việc diễn ra quá bất ngờ và đau lòng. Với tư cách Chủ tịch xã tôi cũng đã kiểm điểm trách nhiệm vì chưa quản lý chặt việc này…”. Theo lời của ông Chủ tịch xã thì: nhắc nhở rồi, nhưng vì tình làng nghĩa xóm, nhìn đi nhìn lại toàn là người quen… nên chuyện khai thác “thổ phỉ” cứ dây dưa đến tận bây giờ. Tìm hiểu kỹ chúng tôi được biết, nạn khai thác đá trái phép không thể ngăn được là do toàn người “trong nhà” tự mở máng khai thác. Cụ thể, cả 2 máng khai thác đá trái phép ở Thanh Sơn thì “ông chủ” đều là những người đã và đang công tác trong bộ phận chính quyền xã Thanh Sơn (ông Mạc Quang Đôn, chủ một mỏ nguyên là xã đội trưởng trước năm 2000. Mỏ đá còn lại của ông Triệu Quang Ngọc, hiện tại ông Ngọc đang giữ chức công an viên kiêm trưởng thôn Lay I, xã Thanh Sơn).
Sau tai nạn chết người do lở đá tại mỏ đá Núi Rùa, Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Lạng Sơn đã đi điều tra làm rõ vụ việc. Đoàn đã kết luận chính xác từng chi tiết nhỏ trọng vụ tai nạn đau lòng trên. Những người liên quan đến vụ việc sẽ bị xử lý, nhưng nhìn xa hơn thì sự việc đau lòng này sẽ không xảy ra nếu chính quyền huyện, xã làm việc một cách quyết liệt hơn. Bởi trước đó, UBND huyện Hữu Lũng cũng đã xác định trên địa bàn có xảy ra nạn khai thác đá trái phép. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, nhắc nhở, các cấp hữu trách lại buông lỏng hậu kiểm, coi nhẹ công tác giáo dục, tuyên truyền.
Hậu kiểm: cần thường xuyên và quyết liệt hơn
Hàng năm, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) đối với một số doanh nghiệp (DN). Kết quả thật đáng giật mình, bởi việc tuân thủ quy định của các DN còn rất nhiều thiếu sót.
Qua công tác điều tra về tai nạn lao động của Sở Lao động, thương binh và xã hội, từ năm 2010 cho đến nay, Đoàn điều tra về tai nạn lao động của Sở đã điều tra được trên 15 vụ tai nạn lao động nặng và chết người, trong đó số vụ tai nạn lao động chiếm tỷ lệ lớn. Tuy vậy, công tác thanh kiểm tra về AT-VSLĐ tại các đơn vị kinh doanh, sản xuất đá và vật liệu xây dựng trên địa bàn vẫn chưa thực sự được tổ chức một cách quyết liệt. Đặc biệt, sau khi kiểm tra và kết luận, ngành chức năng rất ít khi tổ chức hậu kiểm để xem các DN đã sửa đổi như thế nào. Chính vì vậy nên nạn đá “thổ phỉ” và cả những DN được cấp phép không đảm bảo AT VSLĐ vẫn cứ tiếp tục tổ chức khai thác. Điều này dẫn đến những ẩn họa khó lường về tai nạn lao động trong khai thác đá, vật liệu xây dựng.
Ví dụ cụ thể nhất chính là ở Hữu Lũng, trong 6 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra 17 doanh nghiệp (trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp khai thác đá) trên địa bàn huyện Hữu Lũng, đã phát hiện có tới 12 đơn vị không cấp, hoặc cấp không đầy đủ các loại trang thiết bị bảo hộ lao động, không lập hồ sơ và tiến hành kiểm định các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hệ thống chiếu sáng bảo vệ khu vực sản xuất, kho bảo quản vật liệu nổ không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra chập, cháy… và rất nhiều sai phạm về bảo đảm an toàn, chế độ cho người lao động trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại này. Câu hỏi đặt ra là sau khi kiểm tra, phát hiện sai phạm, các DN nghiệp đã khắc phục như thế nào? Thực chất công tác kiểm tra của các ngành hữu trách chủ yếu tập trung vào tuần lễ VS-ATLĐ tổ chức mỗi năm 1 lần. Còn kiểm tra đột xuất thì rất ít.
Các mỏ đá khai thác trái phép, không có kỹ thuật và mất an toàn ở một địa điểm khá trung tâm như thôn Lay I, xã Thanh Sơn mà lại có thể tồn tại trong suốt thời gian dài, xảy ra tới 2 vụ tai nạn làm thiệt mạng 4 người; trong vòng 3 năm trở lại đây, năm nào trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng xảy ra tai nạn lao động, ngay cả ở trong các doanh nghiệp được cấp phép, gây chết người…Đó là điều để các cấp, ngành hữu trách đáng phải suy ngẫm.
LƯU VŨ – NHƯ PHONG
Ý kiến ()