Thứ 4, 27/11/2024 05:58 [(GMT +7)]
An toàn giao thông trên đường làng: Canh cánh nỗi lo
Thứ 3, 16/11/2010 | 15:39:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển thì sự gia tăng xe máy ở các vùng quê cũng mạnh hơn. Trong khi đó người tham gia giao thông trên đường làng chủ yếu là thanh niên nông thôn, ít có điều kiện tiếp cận Luật giao thông đường bộ. Vì vậy đây là mối lo tiềm ẩn về mất an toàn giao thông.
Lật lại thống kê tai nạn giao thông thời điểm trước đây, một con số làm nhiều người giật mình có tới 70% vụ va chạm, tai nạn giao thông là do xe máy gây nên, trong số đó có tới 80% các đối tượng va chạm, gây tai nạn là thanh niên, người sống ở khu vực nông thôn. Một trong những nguyên nhân gây tai nạn là lượng xe máy tăng quá nhanh.
Tai nạn giao thông trên đường làng Bản Khiếng, Lộc Bình |
Từ đầu năm đến nay, lượng xe máy trên toàn địa bàn tăng trên 18.500 chiếc, trong đó Lộc Bình trên 2.000 xe, thành phố 2.498 xe, Hữu Lũng 2.431 xe, Tràng Định 1.199 xe, Bắc Sơn, 1.091 xe… Số lượng xe tăng nhanh như vậy nhưng số đăng ký mới ở thành phố, thị trấn không đáng kể mà con số tăng xe chủ yếu ở địa bàn nông thôn. Cùng với đó chất lượng đường giao thông nông thôn còn kém, quanh co, khuất tầm nhìn, cộng ý thức chủ quan của người tham gia giao thông dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn nông thôn liên tục gia tăng. Tuy tai nạn tăng, nhưng theo Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, hầu hết va chạm trên đường làng toàn anh em họ hàng, làng mạc nên họ tự giải quyết được, chỉ những tai nạn chết người hay hai bên không thể thoả thuận họ mới nhờ Công an xử lý. Vì thế, trong thống kê của Cảnh sát Giao thông 10 tháng và cộng 10 ngày tháng 11/2010, chỉ có một vụ tai tạn giao thông trên đường nông thôn thuộc địa bàn huyện Chi Lăng. Để tìm hiểu thêm tai nạn giao thông trên đường thôn chúng tôi phải lần về các hiệu sửa xe máy ở các khu vực đông dân cư.
Theo anh Trần Công Tuyển, thợ sửa xe trên đường Lê Đại Hành, anh cho biết, phần lớn các xe anh “đại tu” là những xe va chạm, có xuất xứ từ địa bàn nông thôn. Ngày nhiều cũng đến 10 xe, ngày ít thì một vài xe. Hầu hết việc sửa chữa đều do cá nhân tự thoả thuận mà không có sự tham gia của bảo hiểm hay cơ quan nào. Cũng theo anh: “Các xe anh sửa sau tai nạn cơ bản là của thanh niên nông thôn. Các tai nạn xảy ra trên quốc lộ cũng phần lớn là thanh niên nông thôn, rất ít các vụ tai nạn do người cao tuổi gây ra”. Tất nhiên đây chỉ là nhận xét của anh thợ, nhìn vào một hiện tượng cụ thể. Nhưng khi thực tế trên một vài đoạn đường ở nông thôn, chúng tôi thấy rất nhiều người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, các xe tham gia giao thông thường chở đông người, ở những đoạn đường tốt người điều khiển phương tiện thường đi với tốc độ khá nhanh. Anh Định, Trưởng Công an xã Hiệp Hạ, huyện Lộc Bình cho hay, xe máy do thanh niên điều khiển tăng rất nhanh, trên các đoạn đường thôn rất khó xử phạt, dừng xe, lực lượng mỏng nên Công an xã cũng chỉ mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở.
Để kiềm chế tai nạn giao thông nói chung, đã đến lúc cần quan tâm đến an toàn giao thông ở vùng nông thôn. Chú ý đến giao thông nông thôn cần nhất sự vào cuộc của chính quyền, tuyên truyền trực tiếp, xử phạt nghiêm ngay từ cơ sở sẽ cũng sẽ là một biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()