An toàn giao thông: Ngăn ngừa vi phạm tốc độ khi tham gia giao thông
Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra xuất phát từ nguyên nhân do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, không làm chủ được tay lái.
Để khắc phục tình trạng này, yêu cầu quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, từ đó tác động đến hành vi tuân thủ quy tắc giao thông của người dân.
Đầu tháng 10-2021, một vụ tai nạn giao thôngxảy ra tại Bắc Ninh do xe ô tô con va chạm với ô tô tải, hậu quả làm 2 người chết, 4 người bị thương. Hình ảnh ghi nhận tại hiện trường cho thấy, xe ô tô con lưu thông với tốc độ cao, đâm trực diện vào ô tô tải làm ô tô con bị biến dạng.
Trong thời gian qua, nhiều trường hợp gặp tai nạn do phương tiện chạy quá tốc độ dẫn đến thương vong đáng tiếc. Như vụ tai nạn trên Quốc lộ 18 qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, xe máy không làm chủ được tốc độ, đâm vào phía sau xe ô tô đang đỗ bên đường làm 2 người ngồi trên xe máy bị thương nặng. Đáng chú ý, còn có những trường hợp tụ tập, chạy xe tốc độ cao, gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông.
Giám sát phương tiện lưu thông qua hệ thống camera trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. |
Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, hiện nay, phần lớn quốc gia trên thế giới đã áp dụng quy định hạn chế tốc độ phương tiện, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là trên những tuyến đường đi qua khu vực đông dân cư.
“Nếu xảy ra va chạm giao thông khi phương tiện đang đi với tốc độ 30km/giờ còn có khả năng ít xảy ra thương vong, tuy nhiên, từ 50km/giờ có thể gây ra chấn thương nặng. Do vậy, mức tốc độ 50km/giờ được nhiều quốc gia áp dụng để hạn chế tốc độ phương tiện lưu thông”, TS Trần Hữu Minh chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Trần Hữu Minh cho rằng, cần hạn chế phương tiện tăng, giảm tốc độ đột ngột, đang đi nhanh mà phanh gấp sẽ khó bảo đảm an toàn. Các nghiên cứu cho thấy, biên độ giảm tốc độ trong ngưỡng an toàn là khoảng 20km/giờ, ví dụ từ 100km/giờ giảm xuống 80km/giờ, sau đó giảm tiếp xuống 60km/giờ.
Ngoài ra, cũng cần có giải pháp tổ chức giao thông khoa học. Đơn cử như bố trí biển báo đường bộ nên có sự nhắc lại trên đường, giúp người điều khiển phương tiện dễ quan sát và chú ý hơn.
Cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, giải pháp căn cơ để người đi đường tuân thủ quy tắc giao thông là đẩy mạnh giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức. Trong công tác này, sự tham gia của các kênh thông tin, truyền thông đóng vai trò quan trọng.
Chia sẻ kinh nghiệm từ một số nước, TS Judy Fleiter, Giám đốc toàn cầu Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) cho biết, trong một giai đoạn nhất định, công tác truyền thông có thể tập trung vào cảnh báo các nguy cơ xảy ra khi người tham gia giao thông không tuân thủ quy tắc trên đường, ví như những thông điệp đi kèm với hình ảnh, thậm chí là hình ảnh gây sốc về hậu quả xảy ra của tai nạn giao thông.
Đây là hình thức truyền thông tác động cảm xúc của người tiếp nhận. Từ đó góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, muốn phòng ngừa hậu quả phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
TheoNhandan
Ý kiến ()