An toàn giao thông mùa gặt: Nỗi lo đến hẹn lại lên
LSO-Hiện nay toàn tỉnh đang bước vào gặt rộ vụ xuân-hè. Đi cùng với gặt là bà con nông dân sử dụng máy nông cụ, tuốt, vận chuyển lúa trên đường, lưu lượng nông dân tham gia giao thông cũng vì thế mà tăng lên.
LSO-Hiện nay toàn tỉnh đang bước vào gặt rộ vụ xuân-hè. Đi cùng với gặt là bà con nông dân sử dụng máy nông cụ, tuốt, vận chuyển lúa trên đường, lưu lượng nông dân tham gia giao thông cũng vì thế mà tăng lên. Thiếu nơi tập kết lúa bà con đành lấn chiếm lòng đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông. Và nỗi lo tai nạn mùa gặt cứ dầy lên.
Tập kết lúa thóc ngay trên đường |
Chúng tôi có mặt tại thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình khi anh Hoàng Văn Tuấn đang kéo máy gặt đập liên hợp ra cạnh đường để tuốt lúa. Anh vừa cười vừa đáp lại câu hỏi của khách: “Không lo đâu chú ạ, thấy mình tuốt lúa là ô tô đi chậm lại, họ tránh mình mà. Vụ này đã có ai làm sao đâu”. Nói rồi anh lại mải mê với công việc của mình. Một chiếc công ten nơ phóng ào qua, hất tung cả chiếc nón lá anh đang đội. Thấy chúng tôi nhìn lo lắng, anh cười hề hề trấn an: “Nó đi nhanh quá, làm bay cả nón vớ! Nhưng không sao, quen rồi mà”. Trường hợp của anh Tuấn không phải là cá biệt vì mỗi vụ gặt khắp trên các tuyến đường 1A, 1B, 4A, 4B và nhiều tuyến tỉnh lộ, bà con đều phải tập kết lúa, đập tuốt trên đường. Với vụ xuân-hè tình trạng tập kết lúa trên đường diễn ra phổ biến hơn bởi ruộng xuân thường có mưa nên ngập nước, bà con khó có thể đưa máy xuống ruộng. Hơn thế hầu hết các máy gặt đập liên hợp ngày mùa đi tuốt dịch vụ nên cứ tiện đâu là ngả máy đấy, không quan tâm gì đến xe chạy trên đường, vì thế đã không ít các vụ va quệt, tự gây tai nạn xảy ra. Theo quan sát của chúng tôi trên tuyến Quốc lộ 4B đoạn từ Lạng Sơn vào Lộc Bình ngày mùa, đoạn đường chỉ có tầm 20 km mà có đến gần 30 điểm tuốt lúa lưu động. Đi cùng các điểm tuốt là người gánh, người gồng, các xe nông cụ chở lúa đi lại ngược xuôi làm nguy cơ mất an toàn giao thông càng tăng. Thông thường ruộng bà con miền núi ít tập trung, khó hình thành cánh đồng mẫu lớn nên không có điểm kho tập kết, bà con cứ tiện đâu là làm đấy, không có bãi nên tạm thời lấn ra đường. Mặc dù việc tập kết chỉ là thời vụ nhưng điều đó nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Ngay trên tuyến Quốc lộ 1A với lưu lượng xe tham gia giao thông lên đến cả ngàn lượt mỗi ngày nhưng bà con vẫn vô tư tập kết lúa trên quốc lộ để tuốt.
Ông Vy Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng lo lắng, mỗi mùa gặt, mùa na Ban An toàn giao thông đều tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không tập kết lúa chiếm quốc lộ, chở thóc lúa cồng kềnh gây mất an toàn giao thông. Thế nhưng, việc tập kết lúa trên đường, xe chở nông cụ chạy bừa bãi vẫn diễn ra và là nỗi lo lớn nhất của huyện trong mùa gặt. Trở lại các tuyến quốc lộ chính, không chỉ tập kết, khi tuốt lúa xong, bà con để nguyên rơm trên đường tạo thành những vật cản che khuất tầm nhìn. Không ít hộ dân khi tuốt lúa xong đốt ngay rơm trên đường, khói lửa càng làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Anh Nguyễn Đăng Việt, lái xe 16LD 2208 kể chuyện, cách đây 1 tuần khi anh lái xe vào Chi Ma, bà con đốt rơm khói dầy quá phải dừng xe chờ khói tan, nếu cố tình đi chắc chắn không gây tai nạn thì cũng tự tai nạn. Mệt hơn mùa gặt xe nông cụ đi lại, người dân gánh gồng, rơm phơi đầy đường nên các nguy cơ tai nạn đều tiềm ẩn. Mong sao các cơ quan tuyên tuyền cần nhắc nhở bà con nhiều hơn.
Kết thúc bài báo này, chúng tôi không có bình luận gì mà đồng tình và góp thêm với lời anh Việt, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa và có chế tài xử phạt nếu người dân cố tình vi phạm. Cũng cần quy hoạch bãi tập kết nông sản để người dân, người tham gia giao thông không phải lo nỗi lo mất an toàn giao thông mỗi mùa gặt.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()