An toàn giao thông: Khơi thông nút thắt trên tuyến đường sắt Bắc – Nam
Là một trong những con đèo cao nhất trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, đèo Khe Nét từ lâu đã trở thành nút thắt khiến các đoàn tàu qua đây phải đi với tốc độ thấp, mất nhiều thời gian di chuyển.
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét vừa chính thức được khởi công với mục tiêu bảo đảm tốt hơn về an toàn giao thông, nâng cao năng lực chạy tàu, đáp ứng lưu lượng vận tải tăng cao trên tuyến.
Đèo Khe Nét nằm ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, trên đoạn tuyến đường sắt giữa ga Vinh (Nghệ An) và ga Đồng Hới (Quảng Bình). Đoạn đường sắt qua đèo được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đi qua địa hình rừng núi quanh co, phức tạp. Để bảo đảm an toàn, các đoàn tàu khi đi qua đèo phải lưu thông với tốc độ thấp, chỉ khoảng 30km/giờ, làm ảnh hưởng lớn đến năng lực khai thác của đường sắt trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam. Việc xóa điểm nghẽn này là nhu cầu bức thiết của ngành đường sắt, góp phần khơi thông năng lực vận tải.
Cuối tháng 3-2024, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét chính thức được khởi công, dấu mốc quan trọng để các đơn vị bắt tay vào thi công trên công trường. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh trong những năm tới. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải. Tổng chiều dài của dự án là 6.790m.
Sau khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn hành trình so với tuyến đường sắt hiện tại hơn 1.900m. Dự án có 2 gói thầu, trong đó, sẽ xây dựng 2 hầm đường sắt với tổng chiều dài 935m. Ngoài ra, còn xây dựng các công trình cầu, nâng cấp, cải tạo các đoạn đường sắt. Tại ga Đồng Chuối (Quảng Bình) sẽ nâng cấp đường sắt, đường bộ qua ga; cải tạo cầu đường sắt Tân Ấp; cải tạo tuyến Quốc lộ 15 để phù hợp với tuyến đường sắt.
Sau lễ triển khai thi công dự án đèo Khe Nét, nhà thầu huy động lực lượng lớn nhân sự, thiết bị để chính thức thực hiện các hạng mục xây dựng. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đề nghị các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát trong quá trình triển khai dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra tham nhũng, thất thoát. Việc hoàn thành công trình này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với ngành đường sắt, tạo cơ sở để phát huy hơn nữa vai trò của vận tải đường sắt đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Ý kiến ()