An toàn đê điều và hồ đập: Vai trò quyết định là chính quyền cơ sở
Mùa bão lũ đã đến nhưng nhiều tuyến đê xung yếu, trọng điểm vẫn chỉ đảm bảo an toàn trong một số điều kiện cho phép, còn rất nhiều hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ.
Với tiềm ẩn rủi ro, gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân sống trong khu vực, ngành thủy lợi đã khẩn trương tu bổ đê điều, nâng cấp các hồ chứa cũng như đưa ra các phương án vận hành, chủ động, sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ đê điều, an toàn hồ đập còn phụ thuộc vào vai trò và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cơ sở.
Hiểm họa khó lường
Cần tăng cường kiểm tra công tác an toàn hồ đập (Ảnh minh họa: L.A) |
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Trong đó có 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp. Đặc biệt có 334 hồ chứa bị hư hỏng cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014. Hiện các hồ chứa quy mô lớn, có cửa van điều tiết đã lập quy trình vận hành đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; các hồ chứa nhỏ chủ yếu là tràn tự do chưa có quy trình vận hành. Trong khi đó, công tác kiểm định an toàn đập chủ yếu được thực hiện ở các hồ chứa lớn.
Tại các hồ chứa lớn có dung tích trên 1 triệu m3, chủ đập đã thành lập các ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và tổ chức thực hiện tốt. Bên cạnh đó, các hồ chứa nhỏ, chủ đập là các xã, hợp tác xã, tổ chức hợp tác, thôn, bản, cán bộ quản lý, vận hành không có chuyên môn, chủ yếu lấy nước phục vụ sản xuất nên khi có những biểu hiện mất an toàn không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Đánh giá thực trạng các hồ đập tại Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh có 625 hồ chứa nhưng phần lớn đã qua sử dụng 30 – 40 năm, cá biệt có hồ đã được xây dựng cách đây trên 50 năm. Trong đó có 575 hồ chứa do xã, hợp tác xã quản lý và là các hồ đập nhỏ, không có hồ sơ công trình, không có quy trình kỹ thuật quản lý, việc duy tu sửa chữa không thường xuyên nên công trình bị xuống cấp…
Về vấn đề quản lý an toàn hồ chứa, ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng: còn nhiều lỗ hổng trong tiêu chuẩn đầu tư, thiết kế; tiêu chuẩn pháp lý đối với chủ đầu tư, người thiết kế hồ đập. Do vậy, tình trạng đập hư hỏng nhanh, mất an toàn đã xảy ra. Bên cạnh đó, các hồ đập mất an toàn còn do mỗi địa phương có một cách quản lý khác nhau.
Qua đánh giá hiện trạng công trình đê điều của các địa phương, Bộ NN và PTNT đã ban hành danh mục gồm 58 tuyến đê, kè, cống tới 19 tỉnh thành, phố được xác định là trọng điểm, xung yếu cần được đặc biệt quan tâm trong mùa bão lũ 2014.
Theo Sở NN và PTNT Hà Nội, thành phố đã xác định nhiều trọng điểm, vị trí xung yếu của các tuyến đê như: đê, kè Xuân Canh, đê tả Đuống, huyện Đông Anh là khu vực có chế độ dòng chảy phức tạp, sông hẹp, nước chảy xiết, những năm vừa qua thường xuyên xảy ra sự cố. Hệ thống đê, kè Thanh Am đê hữu Đuống, quận Long Biên sát sông, dòng chảy áp sát bờ, thường xuyên xảy ra các sự cố nứt, trượt mái kè. Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều hệ thống cống đê trọng điểm cần đảm bảo toàn như: cống Liên Mạc đê hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm; cụm công trình cống qua đê Yên Sở và đê hữu Hồng, quận Hoàng Mai…
Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay, hầu hết các tuyến đê của tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2014. Tuy vậy, nhiều đoạn đê còn ẩn họa mối nguy hiểm thường trực trong mùa lũ như: tuyến đê hữu Thái Bình đoạn từ k4 05 đến k49 715 mới được quyết định nâng cấp lên đê cấp III nhưng chưa được đầu tư tu bổ nên còn xung yếu. Hay tuyến đê hữu Kinh Môn từ k4 00 đến k4 530 nằm ở bờ lõm của đoạn sông cong có khả năng sạt trượt bãi sông và mái đê…
Tương tự như hệ thống đê của Hải Dương, hệ thống đê điều Bắc Ninh hiện mới chống được mức lũ thiết kế quy định trong điều kiện thời tiết bình thường. Trong trường hợp gặp tổ hợp nước lũ bằng và vượt mức nước thiết kế kèm theo mưa lớn và gió mạnh cấp 6, 7 trở lên, hệ thống đê điều của tỉnh sẽ xảy ra hàng loạt các sự cố lớn trên diện rộng.
Còn đối với tỉnh Bắc Ninh, các tuyến đê trong tỉnh đều được hình thành từ lâu đời. Trải qua nhiều lần tu bổ, chất đất đắp đê không đồng nhất, địa chất thân và nền đê yếu có thể gây nứt, gãy, lún sụt mặt đê. Ngoài ra, các ẩn họa về hang cầy, tổ mối khó có thể phát hiện và xử lý triệt để là nguy cơ gây sự cố sập đê đột xuất.
Địa phương có vai trò quyết định
Trên thực tế, hệ thống đê điều của các địa phương đã được hình thành và củng cố dần qua nhiều năm. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu cộng với tình trạng khai thác cát trái phép và vi phạm hành lang đê điều diễn ra khá phổ biến nên những năm gần đây lũ trên các sông có nhiều biến động theo xu hướng ngày càng nguy hiểm hơn cho hệ thống đê điều.
Điển hình, trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Tứ Kỳ, Hải Dương là điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch tuần tra để ngăn chặn, xử lý các tàu khai thác cát trái phép, huyện cũng quy định trách nhiệm, phân công cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo, đặc biệt là chủ tịch UBND các xã ven đê phòng chống, ngăn chặn, xử lý khai thác cát trái phép. UBND huyện đã có cơ chế cho các lực lượng tham gia ngăn chặn, xử lý các tàu khai thác cát trái phép được sử dụng toàn bộ kinh phí xử phạt, góp phần động viên các lực lượng tham gia. Nhờ việc triển khai đồng bộ, liên tục và quyết liệt, đến nay việc ngăn chặn, xử lý khai thác cát trái phép trên tuyến sông thuộc huyện Tứ Kỳ cơ bản được chấm dứt.
Tại tỉnh Hà Nam, các tuyến đê, bối phần lớn đều là hệ thống giao thông liên huyện, liên xã. Do đó, các phương tiện vận chuyển vật liệu tham gia giao thông trên đê tăng nhanh, trong đó nhiều phương tiện có tải trọng vượt quy định cho phép. Đây chính là một vấn nạn của tỉnh, là nguyên nhân chính làm cho mặt đê bê tông bị vỡ nát, hư hỏng nặng, một số vị trí bị sụt lún thành vũng, rất khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông cũng như ứng cứu đê khi có sự cố xảy ra.
Trước tình trạng trên UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép, nguyên nhân gây ra tình trạng xe quá tải chạy trên đê. Bên cạnh thường xuyên tuần tra, kiểm soát 24/24h phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, các hạt quản lý đê hàng tháng đều có báo cáo UBND huyện, thành phố về tình hình xe quá tải chạy trên đê, nhờ đó việc xử lý tình trạng xe quá tải đi trên đê của Hà Nam đã đạt kết quả tốt.
Từ kinh nghiệm của tỉnh, đại diện Sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Vai trò của cấp huyện, xã có ý nghĩa quyết định nhất trong việc thi hành Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Đây cũng là đơn vị có vai trò quan trọng trong công tác chuẩn bị vật tư, nhân lực tại chỗ trong dân phục vụ công tác xử lý sự cố đê điều. Các phản ứng ban đầu của cấp huyện quyết định lớn đến sự thành công trong việc ứng cứu đê nếu có sự cố xảy ra.
Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hoàng Văn Thắng, bên cạnh công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đê điều, những hư hỏng của đê, kè, cống, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt năm 2014. Đối với các công trình đê điều được xác định trọng điểm, xung yếu, UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng và triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho các trọng điểm, xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời rà soát, phát hiện các điểm xung yếu mới để có phương án bảo vệ.
Bên cạnh giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng: “Những giải pháp phi công trình như nâng cao năng lực của người quản lý, tổ chức hệ thống bộ máy để vận hành hồ đập cũng rất quan trọng, bởi đã có hồ là phải có quản lý vận hành. Đặc biệt, các địa phương, chủ quản lý đập phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý, vận hành đập, kịp thời phát hiện những vấn đề không an toàn. Đây là giải pháp rất tốt lại không quá tốn kém”.
Với chức năng quản lý của mình, Tổng Cục Thủy lợi có trách nhiệm rà soát, phân cấp quản lý hồ đập, đánh giá phân loại cụ thể từng tổ chức cá nhân (nhất là cấp huyện và xã) về điều kiện năng lực, kinh nghiệm và đề xuất điều chỉnh phù hợp với thực tế. Mặt khác, Tổng cục Thủy lợi sẽ tăng cường hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập đối với các chủ đầu tư và chủ đập, có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm quy định để xảy ra sự cố công trình. Một yếu tố không kém phần quan trọng là các địa phương và chủ đập cần triển khai các biện pháp chủ động để bảo đảm an toàn công trình xung yếu trong mùa mưa lũ năm nay.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()