An toàn đập thủy điện gây bức xúc nghị trường
Đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị bổ sung quy định an toàn điện lực. – Trong buổi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực chiều 23-10, ngoài những vấn đề về giá điện, điện cho nông thôn…, vấn đề phát triển thủy điện tràn lan, an toàn đập thủy điện, nhất là với trường hợp thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian gần đây, được nhiều đại biểu đề cập khá gay gắt.Cần có quy định về an toàn đập thủy điệnĐại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong dự thảo luật sửa đổi, mới chỉ đề cập đến tính an toàn của hệ thống điện mà chưa có quy định về an ninh điện lực. Chúng ta chưa lường trước sự cố lớn gây thảm họa như vỡ đập hoặc liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia. Bà Nguyệt đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung một điều về an ninh môi trường an toàn điện, quy định rõ tình trạng khẩn cấp, phương pháp xử lý khẩn cấp, đền bù và khôi phục khẩn cấp. Ai là...
Đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị bổ sung quy định an toàn điện lực. |
– Trong buổi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực chiều 23-10, ngoài những vấn đề về giá điện, điện cho nông thôn…, vấn đề phát triển thủy điện tràn lan, an toàn đập thủy điện, nhất là với trường hợp thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian gần đây, được nhiều đại biểu đề cập khá gay gắt.
Cần có quy định về an toàn đập thủy điện
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong dự thảo luật sửa đổi, mới chỉ đề cập đến tính an toàn của hệ thống điện mà chưa có quy định về an ninh điện lực. Chúng ta chưa lường trước sự cố lớn gây thảm họa như vỡ đập hoặc liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia. Bà Nguyệt đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung một điều về an ninh môi trường an toàn điện, quy định rõ tình trạng khẩn cấp, phương pháp xử lý khẩn cấp, đền bù và khôi phục khẩn cấp. Ai là người chịu trách nhiệm đứng ra ban bố tình trạng khẩn cấp, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, hay Quốc hội thì phải quy định thật rõ.
Dành hết cả thời lượng phát biểu của mình để nói về thủy điện Sông Tranh 2, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho biết, ông là một trong những người đại biểu đề nghị nên dành một chương và một số điều nói về an toàn đập trong Luật điện lực, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tiếp thu và cho rằng nó được thể hiện trong Luật tài nguyên nước.
Theo ông, những phức tạp xảy ra ở đập thủy điện Sông Tranh 2 một phần là do chưa được điều chỉnh đầy đủ về mặt pháp luật.
Ông Lai tìm đọc Luật Tài nguyên nước và chỉ thấy khoản 3 Điều 53 có một câu nói là “an toàn công trình trong quản lý và vận hành”. Theo ông, quản lý vận hành là việc sau đó, còn an toàn hay không an toàn là nằm trong đoạn thiết kế, khảo sát, thi công xây dựng. Cho nên, nếu lấy điều của Luật Tài nguyên nước sang điều chỉnh là chưa đủ.
“Đây là câu chuyện lớn, câu chuyện của nhiều sinh mệnh và thậm chí cả cộng đồng. Phải quy định rõ trong luật này rằng, cơ quan điện lực là cơ quan chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình về thủy điện thì phải gắn với trách nhiệm về an toàn đập”, ông Lai nói.
Nước trong Luật Tài nguyên nước là nước tự nhiên, nước về ao, hồ, sông, lạch, đầm, đìa, nước mưa. Còn nước trong thủy điện là nước đã bị chặn dòng, bị ngăn lại. Bản thân tự thân nó không gây ra thiệt hại, nó chỉ tác hại khi đập đó không an toàn thôi. Cho nên, an toàn tính mệnh của nhân dân lệ thuộc vào vấn đề an toàn đập. Chính vì thế, ông Lai thiết tha đề nghị đưa nội dung an toàn đập trong việc xây dựng các công trình thủy điện vào dự thảo Luật Điện lực. Ông kêu gọi với tư cách một đại biểu Quốc hội, không phải chỉ vấn đề Sông Tranh 2 ở Quảng Nam mà là vấn đề an toàn đập trên phạm vi cả nước.
Hậu quả của thủy điện, ai sẽ chịu?
Đại biểu Y Mửi (Kon Tum) bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về vấn đề liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện và các hệ lụy xã hội kéo theo từ vấn đề thủy điện này.
Theo đại biểu Y Mửi, thực tế cho thấy một số công trình thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung hay Kon Tum nói riêng, để lại những vấn đề tồn đọng hậu quả kéo dài quá lâu gây bức xúc trong nhân dân như vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất sản xuất và việc làm ổn định cuộc sống của người dân di cư, đặc biệt là vấn đề sinh thái ở các địa điểm mà các công trình thủy điện. Mặc dù tỉnh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã có nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay vấn đề này vẫn đặt ra như một thách thức không nhỏ đối với một tình nghèo như tỉnh Kon Tum.
Từ thực trạng này, đại biểu Y Mửi đề nghị trong dự thảo luật lần này cần có nội dung quy định rõ trách nhiệm của tập đoàn điện lực, các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh những bất cập trên của các công trình thủy điện.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, có một hiện tượng chưa phản ánh được đầy đủ trong bộ luật này đó là tình hình phát triển của thủy điện.
Thủy điện đã từng tồn tại từ lâu, nhưng về căn bản cho đến trước năm 2004 thì đó đều là những công trình lớn do nhà nước quản lý, có quy mô lớn, được xây dựng một cách bài bản và được quản lý một cách lâu dài. Nhưng hiện tượng công trình vừa và nhỏ, phát triển tràn lan hiện nay với số lượng lên đến hàng nghìn, nằm rải rác trên khắp đất nước với đặc thù không xây dựng trong một không gian cụ thể mà có thể tổ máy phát điện ở tỉnh này nhưng nguồn tích điện, tích nước lại ở tỉnh khác, cho nên khả năng kiểm soát rất khó. Thế nhưng, theo ông Dương Trung Quốc, dự thảo luật này chưa đề cập tới thủy điện như một chương riêng đã đành, nhưng ngay trong các chương chung cũng hết sức mờ nhạt.
Điều 39 của dự thảo khi bàn đến quyền và nghĩa vụ phát điện thì hầu như không nói, chỉ nói trách nhiệm chung như mọi công trình phát điện khác và nhất là với phát điện truyền thống của chúng ta là nhiệt điện. Điều 54 về an toàn trong phát điện cũng chỉ nhắc thoáng qua đến việc bảo vệ các đập và hồ tích nước.
Đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra một loạt câu hỏi: “Chúng ta có nghĩ đến việc chi phí và sự cần thiết của hậu phát điện đối với thủy điện không? Bởi vì thủy điện nằm trong tay, là phương tiện kinh doanh của các doanh nghiệp, có lãi thì làm. Nếu trường hợp không có lãi thì họ phải đóng cửa. Nhưng ai sẽ quản lý những công trình thủy điện sau 40, 50 năm nữa khi nó đã hoàn thành lợi ích đối với doanh nghiệp rồi? Nó tồn tại đó là một tai họa. Ai là người vận hành điều tiết nước, ai sửa chữa nó khi có những biến đổi về khí hậu và địa chấn xảy ra? Và ai sẽ có trách nhiệm quản lý nó khi các doanh nghiệp rời bỏ kinh doanh?
Rồi ông đề nghị: “Tôi không hy vọng luật này sẽ điều chỉnh những vấn đề của 40, 50 năm sau, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm nhìn trước và đưa ra những ràng buộc để có thể nhìn thấy tương lai không xa lắm nó sẽ là tai họa trên cơ thể đất nước chúng ta”.
Đây cũng là phiên thảo luận cuối cùng của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Sáng 20-11, dự thảo này sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()