An sinh xã hội là một trong những điểm sáng trong bức tranh KT-XH Việt Nam
Chăm lo và bảo vệ an sinh xã hội là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Thời gian qua công tác an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực được bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng trong bức tranh KT-XH của Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định điều này khi báo cáo giải trình trước Quốc hội tại Phiên thảo luận về KT-XH và ngân sách nhà nước, sáng 26/5.
Hằng năm Trung ương bố trí 31.000 tỷ để thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa
Cụ thể, về vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng cho biết: Nhìn tổng quát các chính sách ưu đãi của Nhà nước với hơn 9 triệu người có công và thân nhân người có công đã được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Riêng ngân sách Trung ương hằng năm bố trí 31.000 tỷ để thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.
Việc thăm hỏi, tặng quà tri ân đã được các cấp, các ngành và nhân dân chăm lo. Công tác bia mộ, tìm kiếm liệt sĩ, quy tập liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ đã được triển khai với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, đến nay cả nước đã giải quyết xấp xỉ 6.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó xác nhận liệt sĩ 1.600 trường hợp, xác nhận thương binh và người hưởng chính sách như thương binh trên 3.000 trường hợp, kết luận gần 2.000 trường hợp không đủ điều kiện,…
Thực hiện Nghị quyết 49 của Quốc hội và Nghị quyết 63 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân bổ 8.100 tỷ để các địa phương triển khai phấn đấu năm 2018 hoàn thành 313.000 ngôi nhà người có công với cách mạng, hoàn thành, sửa chữa hoặc xây dựng mới. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại 4 tỉnh cho thấy quý I các địa phương mới giải ngân được khoảng 10% số tiền này, Bộ trưởng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước cũng như MTTQ phối hợp, giám sát để “làm sao năm 2018 hơn 8000 tỷ được giải ngân và đảm bảo hoàn thành được căn bản nhà có công theo chương trình hỗ trợ này”.
Tạo điều kiện tối đa cho trên 3 triệu người khó khăn
Về các chính sách xã hội, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đang quan tâm và giải quyết căn bản, tạo điều kiện tối đa cho trên 3 triệu người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội, 1,6 triệu người cao tuổi và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được triển khai kịp thời và đầy đủ.
Hai trụ cột chính trong an sinh xã hội là BHXH và BHYT, hiện đã có 13,9 triệu người tham gia BHXH, 86% người dân có BHYT, trong đó nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách 44%, tập trung hỗ trợ các đối tượng, chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em, nhân dân xã bãi ngang và đồng bào dân tộc thiểu số, cơ bản những chính sách này đảm bảo. Tuy nhiên, việc quản lý về Quỹ BHYT còn nhiều điều cần phải điều chỉnh.
Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo bền vững với số tiền 48.000 tỷ và 21 chương trình mục tiêu hiện nay đều được thiết kế tập trung cho vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số;…
Theo Bộ trưởng với sự nỗ lực chung, chúng ta đã hoàn thành ba chỉ tiêu rất quan trọng trong lĩnh vực an sinh, lao động, việc làm. Cụ thể tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,53% mà chỉ tiêu giao tối đa 1,5%. Tỷ lệ hộ nghèo cho đến nay còn 6,7%, cận nghèo 5,33%. Các huyện 30 A giảm nghèo trên 4%. Đã có 8 huyện thoát nghèo theo chương trình 30a. Các chỉ tiêu về tỷ lệ lao động trong độ tuổi khu vực thành thị, thất nghiệp trong khu vực thành thị là 3,13%. Chỉ tiêu giao là 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 22,5% đều đạt và vượt chỉ tiêu. Đây là ba chỉ tiêu để góp phần cùng cả nước hoàn thành 13 chỉ tiêu quốc gia./.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()