Ấn phẩm về hành vi ngụy biện: Giúp thay đổi suy nghĩ và hành động của học sinh
(LSO) – Ngụy biện là hành vi phổ biến của nhiều người, nhất là trong lứa tuổi học sinh, “Ấn phẩm nâng cao nhận thức của học sinh THPT với hành vi ngụy biện” giúp học sinh nhận ra hành vi ngụy biện của bản thân và từng bước thay đổi.
Đối với học sinh THPT, hành vi ngụy biện được biểu hiện cụ thể như: Khi bị điểm kém các bạn không chấp nhận do bản thân mình chưa chuẩn bị tốt mà đổ lỗi cho thầy cô ra đề khó, thầy cô coi thi “chặt”; học kém là do gia đình không khá giả, không có điều kiện học tập tốt, không có thời gian làm bài tập… Trước thực tế này, từ tháng 7/2019 đến tháng 2/2020, nhóm nghiên cứu gồm: em Hoàng Thế Trung, lớp 11C1 và Vũ Thị Vân Anh, lớp 11C2, Trường THPT chuyên Chu Văn An (dưới sự hướng dẫn của cô Vi Minh Hiền, giáo viên môn Ngữ Văn nhà trường) đã nghiên cứu và xây dựng đề tài “Ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức của học sinh THPT với hành vi ngụy biện”.
Nhóm nghiên cứu đề tài (thứ 2 và 3 từ phải qua) tại lễ trao giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 12 năm 2020
Em Hoàng Thế Trung, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Qua khảo sát 444 học sinh các trường: THPT chuyên Chu Văn An, THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Việt Bắc, THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho thấy 72,1% học sinh thực hiện hành vi ngụy biện từ khi còn rất nhỏ theo cả hướng chủ động và vô tình; 58,1% học sinh tự nhận thức về hành vi ngụy biện của bản thân là hành vi tiêu cực. Đặc biệt, 50,2% học sinh không có dấu hiệu tâm lý đặc biệt khi sử dụng các lí lẽ ngụy biện. Đây là con số đáng lo ngại, bởi khi sử dụng ngụy biện trong trạng thái ý thức mà phần lớn học sinh coi đó là điểu hiển nhiên, bình thường sẽ trở thành thói quen xấu.
Qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu chỉ ra những hành vi ngụy biện phổ biến của học sinh trong cuộc sống cũng như trong học tập như: ngụy biện đám đông; ngụy biện đổ lỗi; công kích cá nhân; ngụy biện đi tìm giải pháp hoàn hảo. Mỗi hành vi được phân tích nguyên nhân cụ thể và chỉ ra cách ngăn chặn. Đề tài đã đưa ra giải pháp phá bỏ hành vi ngụy biện, lập luận tư duy phản biện, cụ thể như: cách nhận diện ngụy biện, cách ứng phó, cách ngăn chặn, cách xây dựng lập luận khoa học… Ấn phẩm được trình bày dưới dạng một cuốn sổ tay bỏ túi với hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ hiểu, dễ nhớ và có phần “Nhật ký phá tan tảng đá ngụy biện” dành cho người dùng.
Cô Vi Minh Hiền cho biết: Cơ sở lý thuyết về hành vi ngụy biện rất khô khan, tài liệu tham khảo không nhiều nên chúng tôi phải liên hệ với các viện nghiên cứu lớn để mượn tài liệu và tham khảo những tài liệu của nước ngoài. Khi xây dựng hệ thống câu hỏi trong phiếu điều tra xã hội học cũng phải cân nhắc để không làm khó người được hỏi, bản thân người được hỏi đôi khi chưa hợp tác nên nhóm mất rất nhiều thời gian.
Sau khi hoàn thành, đề tài đã được thử nghiệm tại 6 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Khi tiếp cận và sử dụng ấn phẩm, học sinh đã nhận thức đúng về hành vi ngụy biện, trang bị các kỹ năng nhận diện ngụy biện, hình thành tư duy phản biện. Ấn phẩm đã được đưa vào các tiết sinh hoạt lớp, giờ học kỹ năng sống, đặc biệt sản phẩm được đưa và những giờ học ngữ văn liên quan đến lập luận như: lập luận trong văn nghị luận, chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận… qua đó, học sinh đã có nhận thức đúng về hành vi ngụy biện, đại đa số đã lập kế hoạch hạn chế hành vi ngụy biện trong cuộc sống.
Em Hoàng Trung Thành, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Ấn phẩm giúp em có cái nhìn khác hơn về những thất bại của bản thân trong cuộc sống. Em không còn đổ lỗi cho ngoại cảnh mà nhìn nhận trách nhiệm, nỗ lực của bản thân khi làm việc. Từ đó, em đã tích cực hơn khi thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống cũng như trong học tập, rèn luyện.
Tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 12 năm 2020, “Ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức của học sinh THPT với hành vi ngụy biện” xuất sắc đạt giải nhì. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có các sản phẩm giúp học sinh nâng cao nhận thức về hành vi ngụy biện dưới dạng ấn phẩm sổ tay. Chính vì vậy, nếu được áp dụng rộng rãi tại các trường học, đây sẽ là sản phẩm hữu ích với học sinh THPT.
Ý kiến ()