An ninh phi truyền thống với an ninh con người
Việc phân biệt an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống chủ yếu là để các nhà quản lý, các nhà quản trị lĩnh vực an ninh tìm ra phương thức đấu tranh hiệu quả nhất, bảo đảm an ninh quốc gia và an ninh con người, phục vụ người dân nước mình.
Khái niệm an ninh phi truyền thống đã được nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc từ ngày 1/11/2002. Cụm từ "An ninh phi truyền thống" chính thức xuất hiện trong "Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống".
Nhiều ý kiến cho rằng, an ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm: Các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và môi trường sinh thái.
Về an ninh phi truyền thống, người ta căn cứ vào chủ thể gây ra hành động để phân chia ra hai nhóm: Nhóm hiện tượng tự nhiên và xã hội gây bất lợi đến xã hội (như hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản, di cư bất hợp pháp...) tương ứng với từng lĩnh vực an ninh trọng yếu (an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh dân số...); và nhóm thứ hai về các hành vi tiêu cực (phạm pháp) do cá nhân hoặc pháp nhân (tổ chức) thực hiện ảnh hưởng bất lợi đến xã hội (như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, cướp biển, buôn bán trái phép chất ma túy, mua bán người, vũ khí), tội phạm công nghệ cao... Nhóm thứ hai được coi là đối tượng phạm tội, "kẻ giấu mặt" mà chúng ta cần lưu tâm.
Việc bàn thảo lý luận an ninh truyền thống hay an ninh phi truyền thống không chỉ là chuyện của các nhà làm luật, của các nhà quản lý, các nhà quản trị lĩnh vực an ninh-trật tự. Vấn đề an ninh phi truyền thống và các vụ án thuộc an ninh phi truyền thống gây ra đã và đang đe dọa cuộc sống hằng ngày của người dân, nên tất cả chúng ta cũng phải hiểu nó để chủ động chống đỡ.
Hiện nay, tội phạm đã sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản, khủng bố tinh thần của người dân. Cho nên, cả người dân cũng phải chủ động vào cuộc, nâng cao cảnh giác chủ động tố giác tội phạm để bảo vệ chính mình.
Xin kể đến một hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp để nhìn rõ hơn về các vụ việc liên quan đến an ninh phi truyền thống. Đó là hiện tượng các doanh nghiệp huy động vốn theo hình thức "hợp tác kinh doanh" với các cá nhân thông qua một hợp đồng kinh tế được Nhà nước cho phép. Do được thông báo hợp đồng được trả lãi suất gấp đôi, gấp ba lần ngân hàng cho nên nhiều người ùa vào góp vốn. Người ít thì vài ba triệu, vài chục triệu, người nhiều thì hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ham lãi cao, nhiều người rút sổ tiết kiệm, nhiều người thậm chí còn vay lãi góp vào công ty để kinh doanh.
Hậu quả là sau vài năm, khi vòng quay trả lãi suất không đủ trả lợi nhuận cho người góp vốn, các doanh nghiệp chây ỳ, lãnh đạo trốn biệt… Người dân làm đơn ra cơ quan bảo vệ pháp luật đề nghị can thiệp thì được trả lời không có dấu hiệu tội phạm hình sự bởi giữa doanh nghiệp và người cho vay có hợp đồng đúng pháp luật, cho nên chỉ còn cách kiện ra tòa án.
Câu chuyện thứ ba là tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Các đối tượng mạo danh cơ quan công an, tòa án hoặc viện kiểm sát... gọi điện cho người dân đe dọa liên quan vụ án hình sự, lừa dối, khủng bố tinh thần, buộc người nghe chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt. Khi người dân hiểu ra sự thật thì tiền đã mất. Nhiều kẻ lừa đảo còn dùng hình thức gọi điện thoại vờ thông báo cho người nghe lĩnh thưởng, tìm cách chiếm đoạt tài khoản ngân hàng cùng mật khẩu (OTP) rồi ăn cướp tiền ngay trong tài khoản của nạn nhân.
Mất tiền rồi người dân mới đi báo công an thì đã muộn, thủ phạm đã biến mất. Tội phạm kiểu này luôn giấu mặt với rất nhiều thủ đoạn. Đó là chưa kể tới các vụ án lừa đảo qua mạng xã hội với mục đích mua bán người, trong đó có mua bán trẻ em, bán người lao động qua biên giới đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với nạn nhân.
Tất cả các vụ việc vừa dẫn ra ở trên đều liên quan tội phạm an ninh phi truyền thống. Hậu quả nặng nề của nó phủ những đám mây mù không bình yên trong cuộc sống của người dân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao với những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm khiến nhiều người dân có cảm giác luôn bị đe dọa. An ninh con người như thế rõ ràng là chưa được bảo đảm.
Vậy chúng ta đặt câu hỏi làm thế nào để người dân không bị tội phạm an ninh phi truyền thống lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đưa vào bẫy nợ, bẫy góp vốn kinh doanh? Theo chúng tôi, trả lời câu hỏi ấy trước hết là chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp. Nhu cầu được sống bình yên, được sống trong hành lang pháp luật rõ ràng, minh bạch, không bị tổn thương, không bị lừa đảo là một nhu cầu chính đáng. Khi an ninh con người không được bảo đảm, trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước.
Trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, nhất là phát triển mạng xã hội như hiện nay cũng như xu thế hội nhập toàn cầu, trước hết người dân phải tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức, tri thức từ đó cảnh giác với tội phạm để tự bảo vệ mình. Những năm qua và hiện nay, tội phạm tiếp tục lợi dụng sự thiếu hiểu biết ở các khu vực miền núi, nông thôn, vùng trũng thông tin để thực hiện hành vi phạm tội.
Điều quan trọng hơn cả là cần tăng cường trách nhiệm, đổi mới cách làm của các cấp chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật; cần phải vừa nâng cao hiệu quả việc tổ chức, thực hiện hành lang pháp luật cởi mở, chặt chẽ, rõ ràng; vừa phải theo dõi, tổng kết những chiêu thức lợi dụng kẽ hở pháp luật, giải thích sai luật để có biện pháp hoàn thiện pháp luật, không để người dân bị cuốn vào ma trận cạm bẫy, lừa đảo của tội phạm.
Thêm vào đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm an ninh phi truyền thống; công tác này cần phải thường xuyên và đổi mới. Ưu tiên tuyên truyền, hướng dẫn ở các vùng xa, vùng sâu vì tội phạm sử dụng công nghệ cao rất dễ "phủ sóng" để lừa đảo.
Cần huy động lực lượng công an xã ở cơ sở, lực lượng bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở đổi mới hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với tội phạm, nhất là biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đặc thù, trực tiếp để người dân hiểu rõ bảo vệ mình, phòng chống tội phạm hiệu quả.
Ý kiến ()