An ninh năng lượng nhìn từ giá xăng dầu
Không đến mức lặp lại tình trạng đứt nguồn cung ứng xăng dầu cục bộ như một số thời điểm năm 2022 nhưng hiện tại, thị trường xăng dầu trong nước chưa thoát khỏi căng thẳng.
Ảnh minh họa. |
Hiện tượng tạm dừng bán hàng, hoặc bán nhỏ giọt ở các cây xăng đâu đó vẫn diễn ra và “công cụ” quản lý thông qua việc thanh tra, kiểm tra xử phạt hành chính không thể giải quyết căn cơ vấn đề này.
Nhận định nguyên nhân gây bất ổn trên thị trường, Bộ Công thương cho rằng do yếu tố chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu Nhà nước điều hành, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động.
Ngược lại, Bộ Tài chính cho rằng vấn đề nằm ở khâu phân phối, Bộ Công thương nên rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ xăng dầu để bảo đảm hoạt động cho các đơn vị ổn định nguồn cung, đồng thời, nghiên cứu cho phép đại lý được mua xăng dầu của các công ty phân phối khác về xăng dầu, thay vì chỉ được mua một đầu mối.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng nên quy định chất lượng xăng dầu trong nước phù hợp xăng dầu nhập khẩu để cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không bị thiệt hại,…
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, như “mạch máu” của hoạt động sản xuất, tiêu dùng nền kinh tế.
Trong khi các cơ quan quản lý chưa đưa ra được những điều chỉnh cần thiết về cơ chế điều hành thì các doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm khiến họ không có động lực để kinh doanh, dẫn đến việc phải giảm bán hàng, đóng cửa. Ở góc độ nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mấu chốt của câu chuyện này nằm ở cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ, vì doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng.
Khuyến nghị về điều hành giá xăng dầu, các chuyên gia kinh tế hướng đến hai giải pháp. Một là bỏ cơ chế Nhà nước định giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay, tự do hóa để thị trường định giá theo quan hệ cung cầu, gắn thị trường xăng dầu trong nước với thị trường xăng dầu quốc tế. Thứ hai, trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, như “mạch máu” của hoạt động sản xuất, tiêu dùng nền kinh tế. Chuyện lỗ, lãi của doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu không đơn thuần là câu chuyện của những người làm kinh doanh mà còn là vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, cần sớm giải quyết vấn đề cốt lõi để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, giữ “mạch máu” nền kinh tế thông suốt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()