Người dân vùng sừng châu Phi xếp hàng nhận cứu trợ lương thực.Vấn đề an ninh lương thực lại "nóng" trên toàn cầu những ngày gần đây, trong bối cảnh giá lương thực đã tăng mạnh trở lại. Trong khi đó, nạn đói đang tiếp tục đe dọa hàng triệu người nghèo trên thế giới, nhất là tại các nước khu vực Sừng châu Phi và Trung Đông.Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo "Giám sát giá lương thực" công bố mới đây cảnh báo tình trạng giá lương thực đang tăng nhanh trở lại trong những tháng gần đây, nhất là trong tháng 6 và tháng 7. Theo WB, trong giai đoạn này, giá ngô và lúa mỳ đã tăng 25% và giá đậu tương tăng 17% - mức tăng kỷ lục kể từ thời điểm khủng hoảng lương thực thế giới trầm trọng nhất hồi tháng 6-2008, trong khi giá gạo giảm 4%. Tính chung, chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, giá lương thực toàn cầu đã tăng 10%. Cụ thể, trên sàn giao dịch hàng hóa Chi-ca-go, giá đậu tương giao hàng trong các tháng tới là 17,78 USD/bushel (1 bushel tương đương 25,4 kg),...
Người dân vùng sừng châu Phi xếp hàng nhận cứu trợ lương thực. |
Vấn đề an ninh lương thực lại “nóng” trên toàn cầu những ngày gần đây, trong bối cảnh giá lương thực đã tăng mạnh trở lại. Trong khi đó, nạn đói đang tiếp tục đe dọa hàng triệu người nghèo trên thế giới, nhất là tại các nước khu vực Sừng châu Phi và Trung Đông.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo “Giám sát giá lương thực” công bố mới đây cảnh báo tình trạng giá lương thực đang tăng nhanh trở lại trong những tháng gần đây, nhất là trong tháng 6 và tháng 7. Theo WB, trong giai đoạn này, giá ngô và lúa mỳ đã tăng 25% và giá đậu tương tăng 17% – mức tăng kỷ lục kể từ thời điểm khủng hoảng lương thực thế giới trầm trọng nhất hồi tháng 6-2008, trong khi giá gạo giảm 4%. Tính chung, chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, giá lương thực toàn cầu đã tăng 10%. Cụ thể, trên sàn giao dịch hàng hóa Chi-ca-go, giá đậu tương giao hàng trong các tháng tới là 17,78 USD/bushel (1 bushel tương đương 25,4 kg), trong khi giá ngô cũng duy trì ở mức kỷ lục 8,49 USD/bushel hồi đầu tháng. Như vậy, các chỉ số giá lương thực của WB vẫn cao hơn 6% so cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 1% so thời kỳ khủng hoảng đỉnh điểm tháng 2-2011.
Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) phối hợp Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) cũng vừa ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại sâu sắc trước thực trạng giá lương thực lại tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Các tổ chức trên cho rằng, giá ngũ cốc hiện đã tăng đến mức có thể kéo nhân loại vào một cuộc khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu, giống giai đoạn 2007-2008, và điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải phối hợp mọi nỗ lực giữa các tổ chức trên với các quốc gia để kiềm chế tình trạng giá lương thực đang tăng quá nhanh như hiện nay. Tuyên bố chung của các tổ chức nêu trên cũng cảnh báo tình trạng khan hiếm lương thực sẽ còn kéo dài, và nếu như các quốc gia, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu lương thực, không sớm có các biện pháp khắc phục, thì chỉ ít tháng nữa, thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc khủng hoảng lương thực mới, làm thiệt hại cho hàng trăm triệu người.
Các chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá cả lương thực biến động mạnh, trong đó, chủ yếu do sản lượng ngũ cốc giảm bởi tình trạng hạn hán và nắng nóng kéo dài ở Mỹ và Đông Âu, cũng như do giá nhiên liệu leo thang. Ngoài ra, việc Mỹ – một trong những vựa ngô lớn nhất thế giới, tăng lượng ngô sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này lên cao. Lượng ngô Mỹ dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học chiếm tới 40% tổng sản lượng ngô của nước này. Tổ chức chống nghèo đói Oxfam còn cho rằng, trong vòng hai thập kỷ tới, giá lương thực thiết yếu có thể tăng gấp đôi do biến đổi khí hậu và tình trạng thời tiết cực đoan như hạn hán và bão lụt ảnh hưởng ngày càng lớn tới người nghèo.
Chủ tịch WB Gim Châng Kim cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra trầm trọng nhất ở các nước “dễ bị tổn thương” tại khu vực châu Phi và Trung Đông, những nước nhập khẩu lương thực lớn nhất trên thế giới. Ông Gim Châng Kim kêu gọi chính phủ các nước cần đưa ra những chính sách đúng đắn cũng như thúc đẩy các chương trình cứu đói để bảo vệ những người nghèo trước hiểm họa biến động giá lương thực.
Trước tình trạng giá lương thực tăng mạnh có nguy cơ đẩy thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực mới, Pháp kêu gọi triệu tập khẩn cấp Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) vào giữa tháng 10 này, nhằm thảo luận các biện pháp bình ổn giá lương thực. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, với tư cách là Chủ tịch Cơ quan Nông nghiệp của G-20 (AMIS), do G-20 thành lập năm 2011, Pháp đã đưa ra một số đề xuất, trong đó có việc phát triển các kho dự trữ chiến lược và ngăn chặn việc gia tăng sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây lương thực. Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống, Hội nghị “Diễn đàn phản ứng nhanh”, nằm trong khuôn khổ AMIS của G-20 dự kiến diễn ra tại Rô-ma (I-ta-li-a) vào đúng Ngày Lương thực thế giới của LHQ, 16-10, sau cuộc họp của AMIS vào đầu tháng 10 nhằm thảo luận về các biện pháp cân bằng nguồn cung và nhu cầu trên các thị trường nông nghiệp.
Trong khi đó, các chuyên gia của FAO cho rằng, hiện tại cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết đồng thời hai nhiệm vụ, thứ nhất là làm mọi cách để giảm giá lương thực; thứ hai là phải cải tiến mạnh khâu canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi để nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dân số đang tăng quá nhanh và những tác động bất lợi từ hiện tượng biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm bớt căng thẳng an ninh lương thực là các nước xuất khẩu lương thực không được “găm hàng”, mở rộng mọi kênh xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đồng thời mọi người phải tiết kiệm trong sử dụng lương thực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()