An ninh dinh dưỡng giúp định hướng đúng về tái cấu trúc ngành nông nghiệp
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, việc đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng là mục tiêu sắp tới sẽ giúp định hướng đúng về tái cấu trúc ngành nông nghiệp, thay đổi được cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của từng vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) tham gia ý kiến thảo luận ở hội trường chiều 31/10. (Ảnh: DUY LINH) |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Lấy an ninh dinh dưỡng làm nền tảng thúc đẩy an ninh lương thực
Chia sẻ về vấn đề dinh dưỡng tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, thời gian qua, bên cạnh các chính sách về an ninh lương thực, Việt Nam đã đưa ra một số chính sách quốc gia nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng như Chỉ thị số 46 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược nhằm bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tuổi thọ, chất lượng dân số, tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 6 chưa đề cập nhiều tới vấn đề này.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng dinh dưỡng cần đặc biệt quan tâm, đó là tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, trong đó miền núi là 38%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em có xu hướng tăng nhanh ở vùng thành thị và các thành phố lớn, trên 40%. Tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao, thiếu kẽm ở trẻ em 50%, thiếu máu hơn 20% và thiếu vitamin A ở ngưỡng sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó là sự gia tăng của rối loạn chuyển hóa liên quan đến dinh dưỡng về tim mạch, về tiểu đường, về cao huyết áp. Tỷ lệ người cao tuổi suy dinh dưỡng và nguy cơ suy dinh dưỡng ở cộng đồng là 57,9%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh viện là 64,7%.
“Thực tế, nước ta vẫn tập trung vào hoàn thiện và đạt các mục tiêu về an ninh lương thực. Tuy nhiên, việc bắt kịp xu hướng thế giới lấy an ninh dinh dưỡng làm nền tảng thúc đẩy an ninh lương thực là vô cùng cần thiết”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu nhấn mạnh, việc đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng là mục tiêu sắp tới sẽ giúp định hướng đúng về tái cấu trúc ngành nông nghiệp, thay đổi được cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của từng vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng của toàn xã hội.
Do đó, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Qua đó, nghiên cứu xây dựng chính sách, quy định pháp luật về an ninh dinh dưỡng, hướng tới xây dựng Luật Dinh dưỡng phù hợp với điều kiện trong nước nhằm giải quyết các vấn đề về sức khỏe, vệ sinh và chính sách nông nghiệp của nước ta.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2023, đại biểu Sơn cho rằng tình hình chung tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm.
“Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán được chứng chỉ carbon và phát triển trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”, đại biểu nêu rõ.
Về trụ cột đầu tư, giải ngân vốn đầu tư đến tháng 9 đạt 51,38%, tuy có cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng. Trong bối cảnh đầu tư công chưa có nhiều đột phá và đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu suy giảm, đầu tư tư nhân trở thành động lực nội sinh vô cùng quan trọng, thúc đẩy phục hồi tổng cầu, tăng trưởng trong ngắn hạn cũng như thiết lập nền tảng tăng trưởng dài hạn và bền vững cho nền kinh tế.
“Tuy nhiên, đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng 1/6 mức trước dịch Covid-19 năm 2019, tăng 13,7%”, đại biểu nói.
Bày tỏ đồng tình với 12 nhóm giải pháp chủ yếu mà Chính phủ đưa ra trong năm 2024 và thời gian tới, song đại biểu Sơn đề nghị Chính phủ cần có giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể hơn, trên cơ sở phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến các khó khăn nêu trên.
Trong đó, cần xem xét và bổ sung giải pháp thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thông báo Kết luận số 2888 ngày 18/10/2023 và các kiến nghị của Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra.
Về tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng, đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022, chậm hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu, trường hợp tăng trưởng tập trung vào bất động sản trong giai đoạn này sẽ kéo theo gia tăng nợ xấu, khi phần cung bất động sản đang dư thừa, thị trường bất động sản đang trầm lắng, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay; có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()