An Kê-đa vẫn là mối đe dọa lớn đối với Mỹ
Chính quyền Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố để đáp trả vụ tiến công vào Mỹ ngày 11-9-2001 do tổ chức khủng bố quốc tế An Kê-đa thực hiện. Trong hơn mười năm qua, Mỹ và đồng minh tiến hành nhiều chiến dịch chống khủng bố, trong đó có hai cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, song mục tiêu cuộc chiến chống khủng bố còn xa vời. An Kê-đa vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với an ninh của nước Mỹ.Ngày 14-2, Hạ viện Mỹ đã quyết định gia hạn thêm mười tháng nữa các điều luật về giám sát chống khủng bố trong khuôn khổ 'Đạo luật yêu nước' được ban hành sau vụ khủng bố vào Mỹ ngày 11-9-2001. Đây là những điều khoản cốt lõi trong phản ứng về pháp lý đối với các vụ tiến công khủng bố trên đất Mỹ. Các điều khoản nêu trên cho phép nhà chức trách sử dụng thiết bị nghe lén các cuộc điện thoại để theo dõi mọi cá nhân và công dân bị tình nghi là kẻ khủng bố đơn lẻ không có quan hệ với một nhóm cấp tiến nào và...
Ngày 14-2, Hạ viện Mỹ đã quyết định gia hạn thêm mười tháng nữa các điều luật về giám sát chống khủng bố trong khuôn khổ 'Đạo luật yêu nước' được ban hành sau vụ khủng bố vào Mỹ ngày 11-9-2001. Đây là những điều khoản cốt lõi trong phản ứng về pháp lý đối với các vụ tiến công khủng bố trên đất Mỹ. Các điều khoản nêu trên cho phép nhà chức trách sử dụng thiết bị nghe lén các cuộc điện thoại để theo dõi mọi cá nhân và công dân bị tình nghi là kẻ khủng bố đơn lẻ không có quan hệ với một nhóm cấp tiến nào và thu giữ các ghi chép cá nhân hoặc của các tổ chức hay 'bất kỳ những vật hữu hình nào' được cho là quan trọng đối với việc điều tra liên quan hoạt động khủng bố.
Cơ quan điều tra thuộc Quốc hội Mỹ cho biết, trong mười năm qua, Mỹ đã chi tiêu một khoản tiền khó tin là 1.200 tỷ USD để chống khủng bố, gồm các khoản cấp trực tiếp cho hoạt động quân sự ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, những hợp đồng dài hạn với các đối tác nhận thầu về cung cấp vũ khí, chi phí xây dựng công trình quân sự, trợ cấp các gia đình binh sĩ Mỹ bị chết… Trong năm tài chính 2011, Mỹ dự kiến sẽ chi 159 tỷ USD cho các hoạt động chống khủng bố.
Trước tình hình chính trị và xã hội đang diễn biến phức tạp và khó lường tại các nước Bắc và Đông Phi, nơi được cho là 'những cứ địa mới' của lực lượng khủng bố, giới chức an ninh Mỹ liên tục cảnh báo về nguy cơ nước Mỹ bị mạng lưới khủng bố An Kê-đa tiến công. Tại phiên họp của Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện Mỹ ngày 9-2, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Gia-nét Na-pô-li-ta-nô nhận định, mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa vẫn là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ và nguy cơ này có thể đang trong tình trạng cao nhất. Bà cho rằng, Mỹ đang phải đương đầu với những mối đe dọa xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài khi một số tổ chức có liên hệ với An Kê-đa đang gia tăng tuyển mộ công dân Mỹ và người phương Tây để thực hiện các vụ tiến công khủng bố nhằm vào Mỹ. Giám đốc Trung tâm Quốc gia chống khủng bố của Mỹ M.Lai-tơ nêu rõ, tổ chức An Kê-đa trên bán đảo A-rập, chi nhánh Y-ê-men của An Kê-đa là nguy cơ lớn nhất đối với Mỹ. Thủ lĩnh của tổ chức này là giáo sĩ An-oa An Ao-la-ki, gốc Mỹ, có ảnh hưởng lớn đối với một bộ phận dân chúng ở trong và ngoài nước Mỹ. Tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ ngày 10-2, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Giêm Clép-pơ cho rằng, các nhóm An Kê-đa tại bán đảo A-rập là 'mối đe dọa' lớn đối với an ninh của Mỹ. Bộ An ninh nội địa, Cục Điều tra liên bang và Sở Cảnh sát thành phố Niu Oóc đã kêu gọi các công ty tài chính, các ngân hàng cùng các nhà điều hành ở Phố Uôn gia tăng kiểm tra các điểm an ninh nhạy cảm, đẩy mạnh các biện pháp giám sát nhằm phát hiện và ngăn chặn nguy cơ khủng bố.
Trước đó, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã phái tướng Pê-tra-ớt, chỉ huy lực lượng Mỹ tại vùng Trung Đông đến gặp Tổng thống Y-ê-men, bàn thảo biện pháp hỗ trợ Y-ê-men chống lại An Kê-đa. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma công khai cáo buộc một nhánh của tổ chức An Kê-đa trang bị vũ khí và huấn luyện kẻ tiến hành vụ đánh bom khủng bố bất thành trên một máy bay Mỹ trên hành trình từ Am-xtéc-đam (Hà Lan) đến Đi-tơ-roi (Mỹ) trong dịp lễ Giáng sinh năm ngoái.
Trong khi đó, tại Quốc hội Mỹ vẫn dai dẳng những ý kiến khác nhau về biện pháp cũng như hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Oa-sinh-tơn. Giữa Mỹ và các nước đồng minh đã nảy sinh những bất đồng trong tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, cũng như trong nhận thức và cư xử với thế giới Hồi giáo. Tổng thống Li-bi M. Ca-đa-phi nhận xét, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động đã làm tăng thêm sức mạnh cho mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa, bởi vì người Hồi giáo coi cuộc chiến tranh của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc là hành động xâm lược chống lại Hồi giáo và âm mưu gia tăng ảnh hưởng của Mỹ. Cuộc chiến do Mỹ phát động chống lại trùm khủng bố Ô-sa-ma Bin La-đen đã biến ông này thành 'biểu tượng của sự bảo vệ thế giới Hồi giáo'. Nhà lãnh đạo Li-bi cho rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền Oa-sinh-tơn tạo ra một bầu không khí và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của An Kê-đa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()