An Giang tăng cường hợp tác với Nhật Bản
Trong 2 ngày 20 và 21/3, đoàn đại biểu của Tổng Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương Nhật Bản (JA-Zenchu) do ông Hitomi Narikiyo, Chủ tịch Tổng Liên đoàn dẫn đầu, đã đến thăm và làm việc với tỉnh An Giang.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hiện đang có 3 sản phẩm chủ lực là lúa, có tổng sản lượng hàng năm là 4 triệu tấn, xuất khẩu 500.000 tấn gạo/năm; cá có tổng sản lượng là 300.000 tấn, xuất khẩu 100.000 tấn cá philê/năm. Ngoài ra, An Giang còn có các mặt hàng rau quả đông lạnh xuất khẩu. Hiện tỉnh đang có thị trường xuất khẩu ra 139 nước trên thế giới. Các hợp tác xã ở An Giang cũng góp phần cung ứng sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho thị trường xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có 83 hợp tác xã với 9.000 xã viên, với vốn điều lệ trên 40 tỷ đồng, ngoài ra còn xây dựng gần 700 tổ hợp tác, tuy nhiên hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn, do sản xuất chủ yếu là lúa, rau màu và làm dịch vụ bơm tưới; địa bàn hoạt động của hợp tác xã tập trung ở vùng nông thôn nên trình độ năng lực quản lý chưa tốt….
Đoàn đại biểu Nhật bản tham quan mô hình trồng bắp nuôi bò vỗ béo |
Tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm về hợp đồng trách nhiệm liên quan đến tín dụng giữa hợp tác xã với nông dân; các hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào; kinh nghiệm quản lý điều hành, nhân sự của hợp tác xã; đào tạo cho đội ngũ quản lý; công nghệ của Nhật được áp dụng trong sản xuất tại An Giang.
Ông Hitomi Narikiyo, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương Nhật Bản (JA-Zenchu) đã chia sẻ về hoạt động của Tổng Liên đoàn hiện chuyên về dịch vụ nông sản, ngoài ra còn có 3 trung tâm nghiên cứu, chăn nuôi gia súc gia cầm; chế biến thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật trồng trọt hoa màu …. Ông cho biết hợp tác xã của Nhật Bản ngày càng lớn mạnh, hoạt động có hiệu quả là nhờ tái cơ cấu để có qui mô lớn hơn; hoạt động theo hình thức thành lập tổ sản xuất theo từng loại hình nông sản; có chính sách hỗ trợ về thuế, công cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi; về hình thức thanh toán giữa hợp tác xã với xã viên kéo dài trong một tháng. Ông cũng nhấn mạnh về hoạt động tín dụng nội bộ bằng hình thức liên kết để tạo quỹ, với mức tín dụng ban đầu cho ra thấp để an toàn qua đó xã viên có thời gian rút kinh nghiệm hoạt động tốt hơn. Tổng liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương Nhật Bản (JA-Zenchu) sẵn sàng hỗ trợ An Giang đào tạo nguồn quản lý hợp tác xã, về tín dụng nội bộ, hoạt động kiểm tra giám sát nông sản, xây dựng hợp đồng kinh tế. Trong thời gian làm việc tại An Giang, Tổng Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương Nhật Bản (JA-Zenchu) đã đi thực tế ở nhiều cánh đồng ngô, đậu bắp Nhật và rau màu của Hợp tác xã xã An Thạnh Trung, Kiến An (huyện Chợ Mới) và xã Bình Thủy (Châu Phú).
Từ năm 1997 đến nay tỉnh An Giang và Nhật Bản đã có nhiều mối quan hệ hợp tác. Thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh An Giang thực hiện 20 dự án, với tổng giá trị 31 tỷ đồng, trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, nước sạch vệ sinh môi trường, đào tạo cán bộ và đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu gạo, sản xuất chế biến gạo xuất khẩu. Trong đó, Công ty liên doanh Angimex – Kitoku đã hợp tác với tỉnh An Giang thực hiện liên kết với 2.500 nông dân trong tỉnh trồng và xuất khẩu lúa Nhật. Hiện, trường đại học An Giang đã ký kết hợp tác với đại học Saga (Nhật Bản) để hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai tỉnh An Giang và Kagoshima cũng đã xúc tiến hợp tác thương mại – du lịch. Năm 2007, Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh An Giang cũng đã được thành lập.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()