An Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, phong trào kinh tế hợp tác, HTX tỉnh An Giang tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là khu vực nông thôn.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, phong trào kinh tế hợp tác, HTX tỉnh An Giang tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là khu vực nông thôn.
Theo thống kê, toàn tỉnh An Giang có 142 HTX, liên hiệp HTX, hơn 1.175 tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân… với hàng nghìn tổ viên tham gia. Các tổ chức kinh tế này đã và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, như: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, giao thông vận tải… Về cơ bản, các tổ chức này đều hoạt động tương đối ổn định; đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã viên.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX An Giang Lê Thành Lập nhận định: Là tỉnh có tỷ lệ hộ dân sinh sống bằng nghề nông khá cao ở đồng bằng sông Cửu Long, An Giang cũng là một trong những địa phương có phong trào HTX nông nghiệp phát triển khá mạnh trong vùng. Các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tiến hành quy hoạch lại sản xuất, cải tạo đồng ruộng hình thành những vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản phẩm trên một đơn vị diện tích cho nông dân.
Trong thời gian qua, các HTX ở An Giang phát triển đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Các HTX đã tổ chức được các dịch vụ kinh tế hộ xã viên, tổ chức tập trung sản xuất tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống xã hội, liên kết hợp tác giữa những người lao động và các đơn vị kinh tế.
Vận động nông dân tham gia các loại hình kinh tế hợp tác, huyện Phú Tân đã thành lập 14 tổ hợp tác sản xuất có 368 tổ viên, với hơn 5.500 ha đất sản xuất, vốn góp xấp xỉ 5 tỷ đồng. Toàn huyện duy trì hoạt động 18 HTX nông nghiệp có 1.687 xã viên, với hơn 14.400 ha đất sản xuất và vốn góp theo điều lệ gần 10 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân Phú Tân Nguyễn Minh Ðức, các tổ hợp tác và HTX phục vụ tưới – tiêu hơn 19.800 ha đất sản xuất (chiếm hơn 88% diện tích đất toàn huyện), tạo điều kiện cho nông dân tham gia sản xuất lúa và lúa nếp chất lượng cao. Các HTX nông nghiệp đều thực hiện tốt chức năng quản lý và điều hành sản xuất trong các khâu: Làm đất, bơm tưới, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Ðây là yếu tố quan trọng trong việc giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy đời sống nông dân Phú Tân ngày thêm sung túc.
Ứng dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, giảm”, nông dân huyện An Phú được hưởng lợi tăng thêm khoảng 75 tỷ đồng/năm (bình quân 2,5 triệu đồng/ha/vụ). Ðặc biệt, toàn huyện cũng đã quy hoạch 4 tiểu vùng rau màu, tổ chức lại sản xuất hơn 800 ha để khai thác lợi thế hướng sang thị trường Cam-pu-chia. Tiếp tục phối hợp với các ngành và Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm nông dân (Hội Nông dân An Giang), An Phú tổ chức 53 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm… cho khoảng 1.600 hội viên, nông dân. Chủ tịch Hội Nông dân An Phú Cao Hữu Phước cho biết: “Huyện luôn chú trọng công tác chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, xem đây là cơ sở để hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả”. Qua đó, hội còn phối hợp triển khai gần 400 đợt tập huấn, tham quan và hội thảo với hơn 10.500 hội viên, nông dân được chuyển giao kỹ thuật trong hai năm 2011-2012.
Nông dân Lê Quang Trung, ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết, Cánh đồng mẫu lớn là mô hình sản xuất tập trung và có sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà. Ðây còn là điều kiện ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm hợp lý, giúp người trồng lúa yên tâm hơn. Do thấy được lợi ích, anh Trung tích cực vận động hội viên, nông dân địa phương cùng tham gia mở rộng “Cánh đồng mẫu lớn” và phát triển ứng dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” nâng lên được 370 ha, chiếm 57% diện tích sản xuất của ấp Tân Lợi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, diện tích sản xuất lúa toàn huyện tăng lên khoảng 4%, nhiều xã, thị trấn phát huy được ưu thế mô hình và nhân rộng từng địa phương. Ðiển hình như ở Vĩnh Khánh có Tổ sản xuất lúa giống Phan Ðức Minh và tại Mỹ Phú Ðông có Tổ sản xuất lúa giống của Nguyễn Ngọc Thuận, từ chỗ ban đầu chỉ vài chục ha thì đến nay mỗi tổ tăng lên hơn 200 ha. Ðiều có ý nghĩa đặc biệt hơn, những tổ sản xuất lúa giống đã giải quyết cho hàng trăm lao động thời vụ và làm dịch vụ cấy lúa giống. Anh Phan Ðức Minh, ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh cho biết, nhờ làm ăn có uy tín, hàng vụ, cấy xong diện tích giống trong tổ, tôi còn hợp đồng cung ứng nhân công cấy lúa cho nhiều nơi khác và tạo việc làm cho khá nhiều lao động trong một năm.
Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vĩnh Trạch Trần Hoàng Minh cho biết, đơn vị tiến lên từ tổ hợp tác sản xuất lúa giống và tổ đường nước bơm tưới, đến nay có vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng và tương đương 1.443 cổ phần. Năm 2011, tổng doanh thu hơn 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận xấp xỉ 242 triệu đồng. Hiện tại, HTX thực hiện được các khâu công việc như: Bơm tiêu úng vụ thu đông, kinh doanh lúa giống, dịch vụ vật tư nông nghiệp và hoạt động tín dụng nội bộ. Như vậy, trong bốn khâu công việc thì có dịch vụ bơm nước là hoạt động chủ yếu, các dịch vụ khác còn ở dạng nhỏ lẻ nhưng cũng rất có hiệu quả, được nông dân đồng tình, các ngành và các cấp ủng hộ. “Sắp tới, phải tăng cường quan hệ các đối tác, ký hợp đồng kinh doanh cho HTX; nhất là hợp tác với các công ty, doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGap. Ðồng thời, thử nghiệm dịch vụ bơm tưới, bảo đảm sản xuất theo quy trình khép kín” – ông Minh dự tính. Tuy nhiên, theo ông Lập, các HTX trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được khắc phục như: nguồn hỗ trợ còn ít; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, một số HTX còn thụ động trong việc tìm ra cách làm ăn mới, chỉ dừng lại ở vài khâu dịch vụ nên hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thu hút được người dân, v.v.
Từ đó mô hình HTX chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền và cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước về kinh tế tập thể vào chương trình công tác. Các HTX cần chủ động, sáng tạo, phát huy tính tự chủ để tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng với các thành phần kinh tế khác góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()