An Giang đầu tư hơn 135 tỉ đồng cho hoạt động khuyến nông, khuyến ngư
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang, tỉnh này vừa phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015 – 2020.
Đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, |
Theo đó, tỉnh An Giang đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển 60 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trên các lĩnh vực về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy trình GAP và khuyến nông theo cơ chế hợp tác công – tư với các doanh nghiệp ở một số sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh An Giang.
Trong lĩnh vực trồng trọt, địa phương này sẽ xây dựng, chuyển giao ít nhất 30 mô hình có hiệu quả với 100 điểm trình diễn ứng dụng công nghệ tiên tiến về tuyển chọn, nhân và phục tráng giống lúa theo hướng công nghệ cao, đồng thời sản xuất lúa hàng hóa theo Global GAP, “cánh đồng lớn”; tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, sơ chế, bảo quản rau màu ứng dụng công nghệ cao; nuôi cấy mô trên một số giống hoa cảnh; trồng hoa, cây cảnh trong nhà lưới, nhà kính…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh An Giang cũng xây dựng, chuyển giao ít nhất 15 mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc; vịt siêu thịt, siêu trứng; giống gà lông màu năng suất cao. Ngoài ra, An Giang còn đầu tư hệ thống chuồng kín, chuồng sàn có hệ thống làm mát, nuôi trên nền đệm lót sinh học; phòng trị bệnh theo quy trình an toàn.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh An Giang phấn đấu xây dựng, chuyển giao ít nhất 15 mô hình có hiệu quả với 50 điểm trình diễn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tra, tôm càng xanh toàn đực; phát triển mô hình nuôi lươn, cá điêu hồng Ecuador, cá rô phi ND35, cá sặc rằn năng suất cao. Được biết, tổng kinh phí thực hiện của Đề án là hơn 135 tỉ đồng.
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở An Giang những năm qua đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông thôn; đưa An Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về năng suất, sản lượng lúa gạo, cá tra, basa, tôm càng xanh…
Việc chú trọng đầu tư phát triển kinh tế hợp tác đã giúp nông dân An Giang xây dựng, nâng cao chất lượng của trên 570 trang trại và một liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với tổng giá trị sản lượng hàng hóa đạt 820 tỉ đồng. Bộ mặt nông thôn ở An Giang được cải thiện, cơ giới hóa sản xuất với hơn 98% diện tích lúa gặt bằng máy gặt đập liên hợp, 82% sản lượng lúa sấy bằng lò hiện đại.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()