An Giang có lợi thế phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh với sự ưu đãi về thiên nhiên, An Giang có lợi thế phát kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đến dự lễ khởi công “Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang” tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do Tập đoàn TH đầu tư và phát động Tết trồng cây hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Với sự ưu đãi về thiên nhiên, An Giang có lợi thế phát kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều dư địa phát triển chăn nuôi; trong đó có bò thịt và bò sữa. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành chăn nuôi bò sữa chưa phát triển vì nhiều lý do.
Mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung của Tập đoàn TH sẽ trở thành mô hình điển hình, quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, là hình mẫu để nhân rộng. Mô hình thành công góp phần, đồng hành với Chính phủ hoàn thành mục tiêu 500.000 con bò sữa trên cả nước sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch tổng thế phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, Tập đoàn TH là mô hình điển hình về tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam thành công trong hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Thành công của TH đã giúp doanh nghiệp cùng ngành nghề bắt đầu nhận ra sự tất yếu của con đường sữa tươi sạch, có cái nhìn để tái cấu trúc với xu thế, tạo ra sự cạnh tranh về sản phẩm công nghệ cao. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư nghiêm túc vào chăn nuôi đàn bò sữa tập trung công nghệ cao để tạo ra dòng sữa tươi thật.
Bên cạnh thành công của các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung cộng nghệ cao, TH sẽ khởi xướng một xu hướng mới theo mô hình hợp tác xã chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. TH sẽ là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam đưa người nông dân vào chuỗi sản xuất khép kín, cùng người nông dân làm giàu trên đồng đất quê hương, góp phần phát triển bền vững cả về kinh tế-xã hội-môi trường.
Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang” có quy mô khoảng 178,4ha nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.655 tỷ đồng, là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụm trang trại của TH tại An Giang được thiết kế và vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến Afimilk (Israel); quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan… Quy mô đàn bò nuôi tập trung tại dự án là 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. Dự án có thời gian đầu tư trong vòng 4 năm từ năm 2020-2024.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Dự án sẽ mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh thông qua nguồn thu thuế, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động, đưa vào sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên tại địa phương, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần ổn định an ninh chính trị xã hội của tỉnh An Giang.
Phát biểu tại lễ khởi công, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH khẳng định: Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao khép kín của TH tại An Giang không chỉ mở ra một chương mới trong nông nghiệp công nghệ cao của An Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mà còn phát triển các sinh kế mới cho bà con nông dân.
Bà Thái Hương cho biết trong chuỗi sản xuất khép kín của TH, nông dân An Giang sẽ tham gia vào khâu trồng cây nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa, năng suất và giá trị trên một đơn vị canh tác sẽ được tăng lên đáng kể.
Tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Tập đoàn TH đã trao tặng số tiền 5 tỷ đồng cho huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang xây dựng trường mầm non.
Trong sáng ngày 27/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh An Giang và Tập đoàn TH đã tham gia Lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, theo tinh thần của Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng về tổ chức Tết trồng cây.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác Trung ương, địa phương đã đến tham quan Dự án lợn giống công nghệ cao Việt Đan Tịnh Biên của Tập đoàn THACO tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Dự án lợn giống công nghệ cao Việt Đan Tịnh Biên có diện tích 50ha. Sau 9 tháng thi công, dự án đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng Sáu năm nay với công suất thiết kế 5.600 lợn giống.
Trong năm nay, dự án sẽ được thi công giai đoạn 2 với công suất 5.600 con, nâng tổng công suất lên 11.200 con lợn giống được nhập khẩu từ Đan Mạch…/.
Ý kiến ()