An Giang cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững
Ðể nâng cao năng suất, chất lượng cũng như thu nhập của người nông dân, tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác những giống, cây trồng khác như hoa màu, cây ăn quả, nuôi thủy sản, hình thành các vùng chuyên canh..., bước đầu mang lại hiệu quả to lớn, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Ðể nâng cao năng suất, chất lượng cũng như thu nhập của người nông dân, tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác những giống, cây trồng khác như hoa màu, cây ăn quả, nuôi thủy sản, hình thành các vùng chuyên canh…, bước đầu mang lại hiệu quả to lớn, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nhiều mô hình điểm
Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở An Giang nhiều năm qua, đơn vị đầu tiên phải kể đến là huyện Chợ Mới. Tận dụng nguồn đất phù sa, thích hợp cho canh tác rau màu, mười năm nay, Chợ Mới chuyển hẳn nhiều xã phía cù lao đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu gồm: Kiến An, Kiến Thành, Long Ðiền A, Long Ðiền B, Mỹ An… thành vùng chuyên canh rau màu đạt hiệu quả cao. Anh Phan Văn Suông, canh tác ba công màu trong bảy năm qua tại xã Kiến An cho biết: Nếu so sánh với đất trồng lúa thì cây màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Trồng màu vất vả việc chăm sóc nhưng được cái hiệu quả ở vòng quay đất từ năm đến tám vụ/năm, thu hoạch liên tục cho nên dù giá cả có biến động lên xuống nhưng các loại ớt, rau xanh, khổ qua, hành lá… đều cho thu nhập cao. Hiện tính giá trị thu nhập đất trồng màu/một công đất sản xuất cho thu nhập từ 15 đến 30 triệu đồng/năm. Ðáng chú ý, những cánh đồng cho thu nhập từ 150 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm không còn là điều lạ ở vùng đất cù lao Chợ Mới. Hiện, Chợ Mới trở thành vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh An Giang, cung cấp mỗi ngày từ 50 đến 70 tấn rau màu các loại cho thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Một mô hình chuyển đổi công năng sử dụng đất hiệu quả khác đã thực hiện thành công là ở huyện miền núi Tri Tôn. Ðó là mô hình trồng bắp thu trái non và đậu nành rau vừa được Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) triển khai thử nghiệm thành công tại khu vực cầu 15 và 16, xã Tà Ðảnh (huyện Tri Tôn). Tri Tôn vốn thuộc vùng đất trũng, chịu ảnh hưởng phèn nặng, trước đây chỉ trồng lúa nhưng năng suất không cao cho nên khi được Công ty Antesco thí điểm triển khai mô hình, nông dân Trần Văn Chánh đã mạnh dạn thuê ba ha đất của gia đình ông Trần Thanh Liêm ở xã Tà Ðảnh triển khai thí điểm ngay cây bắp thu trái non. Anh Chánh cho biết: “Cây bắp trồng ở đây tuy năng suất không bằng vùng đất cồn nhiều phù sa nhưng hiệu quả thu được vẫn cao hơn so với trồng lúa. Ngoài ra, cây bắp non còn được Công ty Antesco hướng dẫn kỹ thuật, thu mua tận đồng cho nên hiệu quả trong canh tác cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích”. Còn theo đánh giá của ông Huỳnh Quang Ðấu, Tổng Giám đốc Công ty Antesco: So với vùng đất Chợ Mới, năng suất trồng hai loại cây màu nói trên ở Tri Tôn tuy có thấp hơn khoảng 7% nhưng thực tế cho thấy, cả cây bắp và đậu nành rau vẫn phát triển tốt, thích hợp với vùng đất nhiễm phèn.
Theo tính toán của Công ty Antesco, với một công đất trồng bắp thu trái non (1.000 m2), vốn đầu tư khoảng 1,44 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua, bình quân hơn 2,6 triệu đồng/công. Riêng vỏ trái và thân cây bắp, nông dân có thể bán cho các hộ nuôi bò giá 400 đồng/kg, thu về khoảng 1,2 triệu đồng/công. Nếu nông dân trực tiếp đầu tư nuôi bò thì lợi nhuận thu về được một triệu đồng/con bò/tháng. Tính chung, chỉ sau hai tháng bắp thu trái non, nông dân có thể đạt lợi nhuận gần 2,4 triệu đồng/công (1.000 m2), cao hơn nhiều so với trồng lúa trong khi thời gian canh tác ngắn hơn, vòng quay ba, bốn vụ/năm. Thạc sĩ Trần Văn Mì, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho rằng, do ảnh hưởng phèn và thời tiết không thuận lợi cho nên việc canh tác vụ lúa hè thu không hiệu quả, năng suất chưa tới năm tấn/ha. Việc Công ty Antesco trồng thử nghiệm thành công bắp thu trái non và đậu nành rau trên vùng đất phèn Tri Tôn đã mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Nếu có thể xen canh hai vụ bắp thu trái non giữa vụ lúa đông xuân và thu đông thì sẽ có hiệu quả hơn. Hiện mô hình liên kết trồng bắp thu trái non đã được UBND tỉnh chủ trương khuyến khích mở rộng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại ba huyện: An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn trên diện tích khoảng mười ha.
Cũng tại vùng núi Tịnh Biên, Tri Tôn, Viện cây ăn quả Miền Nam phối hợp Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) thuộc Sở KHCN An Giang, cũng đã thử nghiệm thành công hai mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất bạc màu bằng mô hình trồng thanh long ruột đỏ Long Ðịnh 1. Loại cây trồng này chẳng những mở ra triển vọng cải tạo vùng đất núi khô hạn, bạc màu mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập, đa dạng hóa cây trồng trên cùng diện tích. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – Viện cây ăn quả Miền Nam, chất đất ở vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của cây thanh long. Tuy dinh dưỡng ở vùng đất núi có nghèo hơn nhưng chỉ cần bón thêm phân, chú ý kỹ thuật canh tác thì phẩm chất quả và năng suất không khác biệt nhiều so với nơi khác.
Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã và đang là yêu cầu cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế ở An Giang trong giai đoạn hiện nay và định hướng cho thời gian tới. Do đó, việc từ nhiều năm qua, tỉnh đã chuyển đổi nhiều diện tích sản xuất lúa thu đông sang các loại cây trồng khác đã và đang trở thành hướng mở hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu. Ngay vụ sản xuất 2013 này, tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển dịch diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu trên 86 tiểu vùng với tổng diện tích gần 24.200 ha. Trong đó, lúa chiếm 67 tiểu vùng với 22.300 ha và 19 tiểu vùng hoa màu với gần 1.900 ha là những hướng mở hết sức thích hợp. Trong buổi làm việc về định hướng phát triển kinh tế tỉnh An Giang giai đoạn tiếp theo với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng đã cho rằng, vòng quay sử dụng đất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của An Giang đã đạt đến mức đỉnh hơn 2,5 vòng/năm. Trong khi đó các tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã được áp dụng triệt để, năng suất canh tác đạt mức cao nhất có thể và diện tích hoang hóa có thể mở rộng cũng không còn. Do đó, chỉ có thể tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hiệu quả, thích hợp hơn.
Trong đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh An Giang thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu tổng quát là, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Nông sản có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thân thiện với môi trường, bảo tồn và duy trì tốt nhất tài nguyên sinh thái, tài nguyên nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển đồng bộ vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chính sách đầu tư, thu hút và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên bốn yếu tố: quy hoạch vùng và sản phẩm, lựa chọn công nghệ, đào tạo – thu hút nguồn nhân lực và định hướng thị trường tiêu thụ. Song song đó, kế hoạch của UBND tỉnh An Giang về Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nay đến năm 2015 cũng xác định rõ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả canh tác trên diện tích sản xuất và khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản. Phấn đấu đến năm 2015 đạt sản lượng lúa hơn 3,9 triệu tấn, diện tích gieo trồng rau, dưa các loại đạt 60 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 972 nghìn tấn. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất rau theo hướng an toàn, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn…
Ðịnh hướng chiến lược về tái cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững của tỉnh An Giang đã được chỉ rõ. Thực tế quá trình triển khai thí điểm các mô hình canh tác trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã mang lại nhiều điểm sáng tích cực. Tuy nhiên, để nông nghiệp An Giang tái cơ cấu một cách căn cơ thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ thí điểm theo kiểu vừa đi vừa học như thời gian qua. Sự cần thiết để việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp có tác dụng tích cực ngay bây giờ, tỉnh An Giang cần mạnh tay đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lựa chọn cây trồng, giống… Quy hoạch lại vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trực tiếp vào hoạt động canh tác của nông dân. Quy định việc liên kết bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp, người nông dân trong triển khai tái cơ cấu, chuyển đổi diện tích đất canh tác, cơ cấu lại cây trồng theo từng vùng, từng địa phương một cách chặt chẽ, cụ thể. Ðáng chú ý, cần chủ động trong dự báo, sản xuất hàng hóa theo nhu cầu, định hướng thị trường…
Theo Nhandan
Ý kiến ()