Ấn Độ và Nhật Bản thành lập Diễn đàn Hành động hướng Đông
Trong một nỗ lực thúc đẩy chính sách "Hành động hướng Đông" của New Delhi, ngày 5/12, Ấn Độ và Nhật Bản đã thành lập Diễn đàn Hành động hướng Đông được hai bên nhất trí trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Ấn Độ hồi tháng 9 vừa qua.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết bộ này và Đại sứ quán Nhật Bản tại Ấn Độ đã lần đầu tiên tổ chức cuộc họp chung về Diễn đàn Hành động hướng Đông, theo như bản ghi nhớ hợp tác ký ngày 14/9 trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Ấn Độ.
Bí thư đối ngoại Ấn Độ S. Jaishankar và Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu đồng chủ trì cuộc họp này.
Tuyên bố trên nêu rõ Diễn đàn Hành động hướng Đông được thành lập nhằm mang lại nền tảng cho hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản theo chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do của Nhật Bản.
Diễn đàn này sẽ xác định những dự án cụ thể phục vụ việc hiện đại hóa kinh tế khu vực Đông Bắc của Ấn Độ, trong đó có những dự án liên quan tới kết nối, cơ sở hạ tầng phát triển, những liên kết về ngành công nghiệp cũng như giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động liên quan tới du lịch, văn hóa và thể thao.
Theo tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Abe đánh giá cao sự hợp tác giữa Nhật Bản và khu vực Đông Bắc của Ấn Độ, từ những dự án cơ sở hạ tầng chủ chốt như kết nối đường bộ, điện, cung cấp nước và xử lý nước thải, tới tính bền vững của xã hội và môi trường như trồng rừng và trao quyền cho cộng đồng cũng như giao lưu nhân dân.
Ông Jaishankar cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Bắc sẽ giúp Ấn Độ hướng được nhiều hơn sang Myanmar, Bangladesh và ngoài khu vực này, qua đó đóng góp thực chất cho chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ.
Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ được công bố vào đầu những năm 1990 khi New Delhi muốn tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á nhằm thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế. Chính sách này được chuyển sang thành chính sách “Hành động hướng Đông” sau khi chính phủ của Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) hiện nay lên nắm quyền với mục đích gắn thêm ý nghĩa chiến lược cho chính sách này./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()